Nghiên cứu ứng phó tràn dầu trên các vùng biển

Như Ngọc| 26/10/2018 15:11

KHPTO - Nhóm nghiên cứu Phan Văn Hưng, Trường đại học hàng hải quốc gia Mokpo (Hàn Quốc), Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Gia Huy, Trường đại học hàng hải Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu ước tính yêu cầu chiều dài phao quây dầu trong ứng phó tràn dầu trên các vùng biển Việt Nam.

Phao thường được sử dụng để quây quanh và ngăn chặn dầu tràn ra môi trường biển, làm lệch hướng di chuyển của dầu ra xa khu vực nhạy cảm và hướng tới một điểm để thu hồi dầu. Triển khai phao quây dầu là nhiệm vụ quan trọng không thể tách rời trong ứng phó các sự cố tràn dầu nói chung. Việt Nam là quốc gia đang phải đối diện với nguy cơ tràn dầu cao, đòi hỏi một phương pháp định lượng để các cơ sở, khu vực, quốc gia luôn duy trì mức độ sẵn sàng và khả năng ứng phó phù hợp.

Phao quây dầu (PQD) là các rào chắn nổi được thiết kế và trang bị để thực hiện các chức năng sau:

- Ngăn chặn và tập trung dầu tràn: bao quanh khu vực dầu tràn, tránh dầu lan truyền trên mặt nước và tăng độ dày của dầu để thu hồi dễ dàng.

- Điều hướng dầu: chuyển dầu đến nơi thu gom thích hợp ở khu vực bờ biển để thu hồi sau đó bằng máy thu hồi dầu, bơm chuyên dụng, hoặc các phương pháp thu hồi khác.

- Bảo vệ: tránh sự tiếp cận của dầu tới các điểm quan trọng về kinh tế hay nhạy cảm về môi trường như luồng ra, vào cảng, các điểm lấy nước phục vụ nông ngư nghiệp hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên.

Phao quây dầu được thiết kế theo nhiều loại, kích cỡ, vật liệu khác nhau đáp ứng nhu cầu ứng phó tràn dầu ở những khu vực và điều kiện khác nhau. Hầu hết các thiết kế PQD được chia thành bốn nhóm chính:

- PQD dạng màn chắn (curtain boom): được thiết kế bao gồm màn chắn được hỗ trợ bởi phần nổi được bơm hơi hoặc xốp cứng thường có mặt cắt tròn.

- PQD dạng rào (Fence boom): thường có mặt cắt dạng phẳng được tổ chức theo chiều dọc trong nước bởi phần nổi bên trong hoặc ngoài, lỉn dằn và nối với các thanh đỡ.

PQD cố định tại các khu vực bờ biển được thiết kế thay vạt chìm bằng buồng chứa nước cho phép PQD luôn bảo vệ được dường bờ khi thủy triều xuống thấp. PQD chịu lửa được thiết kế đặc biệt để chịu nhiệt độ cao khi đốt cháy dầu.

Phao quây dầu phải được triển khai phù hợp, duy trì và điều chỉnh theo sự thay đổi của hướng dòng chảy, mực nước, và các điều kiện sóng. Phao phải được triển khai bởi các nhân viênứng phó tràn dầu có tay nghề, am hiểu quy trình kéo hoặc neo, thả phao. Người chịu trách nhiệm lựa chọn và sử dụng phao cần:

- Hiểu được chức năng và các thành phần cơ bản và các thiết bị phụ trợ cho các loại phao quây dầu.

- Xác định vị trí sử dụng, điều kiện biển, hoạt động ứng phó để lựa PQD phù hợp.

- Xem xét các yếu tố thiết kế được liệt kê có ảnh hưởng tới hiệu xuất của PQD như độ bền, lưu trữ, triển khai và khả năng quây chặn dầu.

- Chọn kích thước thích hợp của PQD theo điều kiện môi trường và hiệu suất dự kiến.

- Xem xét loại PQD có thể được sử dụng hiệu quả nhất trong từng kịch bản tràn dầu.

- Tham khảo dữ liệu đối với mỗi loại PQD bao gồm mô tả thiết bị, khuyến cáo của nhà sản xuất và các cân nhắc khi vận hành.

Vùng nước khu vực cảng, ven bờ và biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm dầu gia tăng. Các trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu quốc gia, các địa phương, cơ sở cần trang bị các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với bất kì sự cố tràn dầu nào có thể xảy ra trong tương lai, trong đó trang bị PQD là yêu cầu rất quan trọng. Trong nghiên cứu này, các tác giả giới thiệu tổng quan về PQD và công thức tính toán chiều dài PQD theo lượng dầu tràn giả định. Công thức do nhóm nghiên cứu đưa ra được kỳ vọng sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để tính toán tổng chiều dài lượng PQD yêu cầu trang bị phù hợp cho các cơ sở, địa phương cũng như các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu ứng phó tràn dầu trên các vùng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO