Nghiên cứu phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long

N.Hoa| 20/03/2019 15:11

KHPTO - Nghiên cứu khả năng đối kháng của vi khuẩn Bacillus Sp. với vi nấm Neoscytalidium Dimidiatum gây bệnh đốm trắng trên thanh long, nhóm nghiên cứu Đỗ Thị Thanh Dung, Lê Thanh Bình, Viên Thị Thanh Trúc, Võ Đình Quang, chi nhánh Viện ứng dụng công nghệ tại TP.HCM và Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM nhận thấy, Bacillus atrophaeus an toàn và có tiềm năng ứng dụng trong sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long.

Hiện nay dịch bệnh trên thanh long diễn ra khá nhiều, trong đó đáng chú ý là bệnh đốm trắng. Theo ghi nhận của Viện Cây ăn quả miền Nam thì bệnh đốm trắng xuất hiện rải rác vào năm 2008, và từ năm 2011 đến nay bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn. Mức độ bệnh ở các vườn, địa phương khác nhau, có những vườn bị nhiễm quả không thể thu hoạch được, thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.

Bệnh đốm trắng hay còn được gọi dưới các tên “đốm nâu”, “đốm tắc kè”, “bệnh ma”, “bệnh loét” hay “thối mục”, là một trong những bệnh gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng thanh long. Nguyên nhân của bệnh được xác định là do vi nấm Neoscytalydium dimidiatum… Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Việc sử dụng các hóa chất để hạn chế bệnh hiện nay chỉ là giải pháp tình thế và là một trong những nguồn góp phần gây ô nhiễm, giảm chất lượng thanh long, hạn chế khả năng xuất khẩu thanh long ra các thị trường khó tính.

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, việc sử dụng vi khuẩn như  Bacillus sp. để ức chế một số loài nấm bệnh trên cây trồng đã cho thấy tính hiệu quả của nó…, điều này cũng cho thấy dòng Bacillus sp. có tiềm năng trong việc ức chế nấm bệnh N. dimidiatum trên thanh long.

Việc đánh giá khả năng kháng N. dimidiatum gây bệnh đốm trắng của các chủng Bacillus đã phân lập được xác định thông qua hiệu quả ức chế (phương pháp đối kháng trực tiếp) và xác định đường kính vòng kháng khuẩn (phương pháp khuếch tán trên lỗ thạch).

Kết quả thí nghiệm cho thấy, với phương pháp đối kháng trực tiếp 116/136 chủng khảo sát có hiệu quả ức chế nấm bệnh N. dimidiatum giao động từ 0 đến 36,67 % sau 6 ngày theo dõi. Trong đó, số chủng đối kháng phân lập từ các mẫu đất vườn là 68/116 chủng, số chủng đối kháng phân lập từ các mẫu đất rừng là 48/116 chủng. Chủng đối kháng mạnh nhất là ĐV5B6 với hiệu suất đối kháng sau 6 ngày là 36, 67 %.

Phương pháp đối kháng trực tiếp chỉ cho biết chủng khảo sát có đối kháng hay không mà không biết rõ các chủng thử nghiệm đối kháng có phải do sinh các hợp chất kháng khuẩn hay do cạnh tranh dinh dưỡng. Trong khi đó phương pháp khuếch tán trên lỗ thạch cho cho biết được các chủng có khả năng sinh chất kháng khuẩn hay không. Vòng vô khuẩn xung quanh lỗ thạch chứng tỏ chủng có tiết chất kháng khuẩn ức chế khả năng sinh trưởng của N. dimidiatum.

Kết qua nghiên cứu, đã phân lập và sàng lọc được 136 chủng vi khuẩn Bacillus từ các mẫu đất. Trong đó 104 chủng có khả năng đối kháng với N. dimidiatum trên 2 phương pháp thử nghiệm. Chủng ĐV5B6 cho kết quả đối kháng tốt nhất với hiệu suất đối kháng là 36,67% và đường kính vòng vô khuẩn là 21,33 mm. Kết quả định danh bằng phương pháp MALDI – TOF cho thấy cho thấy chủng ĐV5B6 là Bacillus atrophaeus, có tiềm năng sử dụng trong chế phẩm phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO