Nghiên cứu khoa học: Làm gì để khi xây nhà không gây ảnh hưởng nhà bên cạnh?

Như Quỳnh| 24/10/2018 10:34

KHPTO - Tìm hiểu khả năng xảy ra nghiêng lún công trình hiện hữu do đào hố móng, nhóm nghiên cứu Vương Quốc Chánh, Trường đại học Cửu Long, Dương Hồng Thẩm, Trường đại học công nghệ Sài Gòn đã đưa ra những cảnh báo cho cần thiết cho các chủ đầu tư khi chuẩn bị xây dựng công trình có nhà ở lân cận.

Hiện nay, do diện tích đất xây dựng ở các đô thị, hay khu dân cư rất hẹp và thường đã hiện hữu các công trình có sẵn, việc xây dựng một công trình mới cạnh các công trình hiện trạng rất dễ gây ra nghiêng lún cho các công trình có sẵn nếu không có biện pháp thi công hợp lý.

Do đó công tác dự báo các khả năng nghiêng lún khi thi công đào móng để đề ra biện pháp thi công hợp lý đảm bảo an toàn cũng quan trọng. Các sự cố nghiêng lún thường xảy ra bên dưới lòng đất, khó quan sát thấy, có thể xảy ra liền khi thi công hoặc xảy ra sau khi đã thi công phần ngầm được một thời gian, làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận và chậm tiến độ thi công. Cho nên, đưa ra trước mô hình dự báo là cần thiết và quan trọng ở khâu thiết kế cũng như thi công.

Hiện nay, chỉ có những hướng dẫn phòng ngừa sự cố khi đào hố và có rất ít những mô hình để dự báo cho những trường hợp đó, các yếu tố dễ thấy, dễ liên quan đến sự cố vẫn chưa được làm rõ.

Nhóm nghiên cứu nêu ra một số vấn đề và các yếu tố liên quan, cho thấy các nguyên nhân và một số kết quả có thể dự báo trước. Các yếu tố cần xem xét khi đưa ra mô hình dự báo rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng một phần đến tính đúng đắn và khách quan của mô hình:

a) Số liệu địa chất của mô hình: số liệu phải được lấy ở phạm vi xây dựng công trình mang tính chính xác tương đối.

b) Tải trọng bản thân của các công trình xung quanh nơi tọa lạc công trình sắp được xây dựng. 

c) Sử dụng mô hình Mohr-Coulomb trong Plaxis để xây dựng mô hình. Thông số mô hình được hiệu chuẩn theo kết quả nén thực tế mà trong khuôn khổ bài báo này chỉ sử dụng kết quả. Mô hình giới hạn các công trình xung quanh chỉ là nhà phố từ 3 - 5 tầng với cọc cừ tràm và móng băng, có diện tích tương đối, vì các công trình này thường ít được quan tâm nhiều do quá phổ biến và được xây dựng đại trà.

Theo như kết quả chạy các trường hợp mô hình, nhóm nghiên cứu nhận thấy:

- Đào hố không có chống vách dễ gây ra nghiêng và lún công trình hơn khi có chống vách.

- Bề rộng hố đào cũng ảnh hưởng đến công trình lân cận , bề rộng càng lớn khả năng xảy ra cung trượt càng cao, và không thể đào sâu đất trong hố.

- Bề rộng hố đào bé thì khả năng xảy ra cung trượt ít, có thể đào sâu nhưng vẫn rất dễ xảy ra nghiêng lún cho toà nhà.

- Xét đến hố đào ngay sát công trình, tường chống vách yếu không thể đào hố xuống sâu, áp lực tường phải chịu hai bên mép là rất lớn, vì thế nếu muốn đào sâu với công trình sát bên cần phải có hệ tường chắn và chống vách cứng, đủ hoặc hơn khả năng chịu lực để có thể đào sâu trong đất mà ít gây ảnh hưởng nhất.

- Độ cứng tường chống vách cũng ảnh hưởng đến sự nghiêng lún của công trình, tường chống vách quá yếu sẽ dễ gây ra sự cố hơn.

- Việc hạ mức nước ngầm MNN cũng rất quan trọng, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp (như chống vách chắc chắn) thì không thể hạ mực nước xuống nhanh được vì rất dễ gây mất ổn định, làm khối đất sụp xuống.

- Đào hố xong để MNN dâng lên cũng có thể ảnh hưởng đến công trình, làm đất trong hố đào trồi lên, kết cấu xung quanh vì thế cũng bị kéo xuống một phần, do MNN dâng lên trở lại, mặc dù việc đào hố trước đó ít gây ảnh hưởng.

- Sự nghiêng lún về các phía khác nhau (về phía hố đào hoặc về phía xa khỏi hố đào) tùy tác động, cấu hình và biện pháp thi công hố đào.

Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận, hố đào gần công trình là dễ xảy ra sự cố nhất. Khi đào hố gần công trình hiện hữu cần có biện pháp chống vách 1 cách hợp lý. Cần tính toán độ cứng hệ tường chắn cao hơn tính toán để phù hợp với yêu cầu ổn định vách khi thi công đào hố. Bên cạnh đó, cũng cần có thiết kế biện pháp xử lý đất trong hố đối với nguy cơ bị đẩy trồi lên khi thực hiện các hố đào sâu. Khống chế MNN trong khi thi công đào hố hợp lý để tránh MNN dâng lên, gây mất ổn định của đất trong quá trình thi công đào.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu khoa học: Làm gì để khi xây nhà không gây ảnh hưởng nhà bên cạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO