Nghiên cứu khoa học của Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM: giải quyết các bài toán lớn của xã hội

Anh Thư| 11/11/2018 10:31

KHPTO - Hội nghị khoa học lần thứ 11 của Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM vừa được tổ chức vào hai ngày 9 – 10/ 11. GS.TS.Trần Linh Thước, hiệu trưởng cho biết, đây là diễn đàn để các nhà khoa học của trường và các đơn vị có quan hệ hợp tác trình bày kết nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, Hội nghị khoa học cũng là cơ hội để giao lưu, trao đổi tìm ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khoa học và công nghệ; kích thích sự hợp tác, hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài trường nhằm giải quyết các bài toán lớn của xã hội về khoa học công nghệ. Một mục tiêu không kém phần quan trọng nữa của Hội nghị là tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài trường báo cáo các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp của mình.

Giữ vững vị trí hàng đầu về khoa học cơ bản

Theo GS.TS.Trần Linh Thước, kể từ Hội nghị khoa học lần thứ 10 năm 2016 cho đến nay, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược phát triển về khoa học và công nghệ của trường và của ĐHQG-HCM, nhằm tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu của trường trong cả nước về khoa học cơ bản và một số lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn. Điều này được thể hiện qua số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp mà các nhà khoa học của trường đang đảm nhiệm, cũng như các sản phẩm khoa học công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Trong 2 năm vừa qua, các nhà khoa học của trường đã chủ trì thực hiện 5 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc chương trình phát triển cơ bản, 26 đề tài nghiên cứu cơ bản tài trợ bởi Quỹ phát triển KHCN quốc gia (Nafosted), 73 đề tài cấp ĐHQG các loại và hơn 15 đề tài từ Sở KHCN TP.HCM và các địa ph­ơng, 95 đề tài cấp cơ sở, ngoài ra còn có các dịch vụ KHCN đặt hàng từ doanh nghiệp trong nước và hợp tác nghiên cứu ngoài nước. Qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này, đội ngũ nghiên cứu khoa học của nhà trường đã công bố hơn 360 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ngoài nước, hơn 200 bài báo trong nước, hơn 170 báo cáo toàn văn trong kỷ yếu của các hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia.

Họp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng cho sự thành công trong hoạt động khoa học và công nghệ của nhà tr­ờng. Trong 2 năm vừa qua, trường đã chủ trì và tham gia tổ chức trên 27 hội nghị khoa học, seminar quốc tế; đã tiếp và làm việc với trên 112 đoàn khách quốc tế từ các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty; tiếp nhận hơn 108 lượt giáo sư, cán bộ nghiên cứu khoa học, sinh viên đến làm việc, giảng dạy, học tập tại trường, ký kết thỏa thuận khung, bản ghi nhớ hợp tác để trao đổi sinh viên, giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với 62 trường, viện có uy tín trên thế giới. Các mối quan hệ hợp tác quốc tế đã chứng tỏ vị thế của trường và là nền tảng quan trọng để tiếp tục phát huy các thế mạnh và nội lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

GS.TS.Trần Linh Thước cho biết thêm, để có được những thành tựu về khoa học công nghệ, Trường ĐH KHTN luôn coi trọng vai trò của nghiên cứu khoa học trong nhiệm vụ đào tạo. Điều này được thế hiện qua sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, ban giám hiệu trường, sự phục vụ nhiệt tình của các phòng, ban chức năng có liên quan và quan trọng nhất là tinh thần nghiên cứu khoa học sôi nổi và không mệt mỏi của tập thể cán bộ khoa học, từ thầy cô giáo cho đến sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của nhà trường. Cộng với sự hợp tác hiệu quả với các đối tác trong và ngoài nước đã tạo ra nhiều kết quả có chất lượng, làm cho Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng có tên tuổi của Việt Nam.

Công bố nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị

Địa y - Nguồn cung cấp các hợp chất hóa học mới: các kết quả và triển vọng là đề tài báo cáo của GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên. GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng đã có hơn 40 năm nghiên cứu trong lĩnh vực hóa hữu cơ, cụ thể trong lĩnh vục nghiên cứu thành phần hoạt chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học từ nguồn cây cỏ Việt Nam; chủ trì nhiều dự án nghiên cứu lớn ở tầm quốc gia và quốc tế có liên quan đến chủ đề trên; có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong và ngoài nước, bao gồm bài báo khoa học, và sách giáo trình; chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về chủ đề hóa dược. Năm 2016, GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng đã được giải thưởng Kovalevskaya dành cho nữ khoa học gia Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Công bố nghiên cứu khoa học về địa y, GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng cho biết, đây là sản phẩm cộng sinh của mycobiont (đối tác nấm) và photobiont (đối tác tảo), được biết đến nhờ việc tổng hợp hàng loạt các hợp chất chuyển hóa thứ cấp (CHTC), trong đó một số hợp chất CHTC là sản phẩm đặc trưng của địa y như depside, depsidone, diphenyl ether,...Các hợp chất CHTC này thu hút nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu do những đặc tính sinh học của chúng, bao gồm hoạt tính kháng nấm, kháng khối u và ung th­ư.

Tuy vậy, địa y Ở môi trường nhiệt đới Việt Nam lại chưa được nghiên cứu nhiều về mặt hóa học. Trong quá trình nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng về các hợp chất địa y trong hệ thực vật Việt Nam, một số loài địa y đã được nghiên cứu. Cấu trúc hóa học của các chất CHTC cô lập từ địa y đã được làm sáng tỏ bằng các phương pháp quang phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) lD và 2D, cũng như phân tích bằng khối phổ độ phân giải cao ESI-MS, kết hợp với so sánh với dữ liệu sẵn có. Một số hợp chất trong số các hợp chất CHTC đã được khảo sát khả năng gây độc tế bào trên các dòng tế bào ung thư ở người như HepG2 (ung thư biểu mô tế bào gan), NCI-H460 (ung thư phổi), MCF-7 (ung thư vú), HeLa (ung thư biểu mô da).

Báo cáo khoa học quan trọng thứ 2 tại Hội nghị do PGS.TS.Nguyễn Đức Hoàng, Trung tâm khoa học và công nghệ sinh học, Trường đại học khoa học tự nhiên thực hiện với đề tài: “Hợp tác liên ngành trong công nghệ sinh học Bacillus”. PGS.TS. Nguyễn Đức Hoàng hiện đang là thành viên của Hiệp hội CNSH châu Á (AFOB), thành viên của hội đồng khoa học Quỹ nghiên cứu quốc gia (Nafosted); đã công bố 28 bài báo ISI và nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học quốc gia cũng như các sản phẩm sách chuyên khảo.

Bacillus là nhóm vi sinh vật quan trọng trong sản xuất protein công nghiệp, 60% enzyme công nghiệp trên thế giới được sản xuất sử các chủng này. Bacillus subtilis có một số đặc điểm thuận lợi có thể bổ sung cho vi khuẩn được sử dụng rộng rãi nhất, Escherichia coli trong biểu hiện protein tái tổ hợp. Ưu điểm nổi bật của vi khuẩn mô hình Giam dương B. subtilis là được xếp vào nhóm vi sinh vật an toàn (GRAS), không có nội độc tố, cho phép tiết protein nên dễ ứng dụng sản xuất quy mô lớn và có khả năng hình thành nội bào tử cho phép l­u trữ ở nhiệt độ phòng. Những thành tựu gần đây của công nghệ sinh học phân tử đã mở ra các hướng ứng dụng mới nhằm khai thác ưu điểm của vi khuẩn này.

PGS.TS.Nguyễn Đức Hoàng cho rằng: “Để tận dụng triệt để vi khuẩn này, chúng ta cần có những nỗ lực hợp tác chung của các chuyên gia trong lĩnh vực khác nhau bao gồm: khoa học máy tính và sinh học phân tử để kiểm soát sự biểu hiện gene; hóa học trong sản xuất các hợp chất chuyên biệt; môi trường học trong xử lý sinh học; nông nghiệp và sức khỏe trong việc phát triển vaccine; hóa sinh học trong sản xuất các enzyme công nghiệp”.

Trong báo cáo này, PGS.TS.Nguyễn Đức Hoàng đã trình bày công nghệ lõi trong kiểm soát biểu hiện gene ở B. subtilis làm cơ sở để mở rộng hợp tác liên ngành. PGS.TS.Nguyễn Đức Hoàng nói: “Chúng tôi mong muốn được cộng tác với các chuyên gia khác nhau và khai thác công nghệ cốt lõi này để đưa vào các ứng dụng thực sự có giá trị cao. Để làm được điều đó, chúng ta cần nghiên cứu liên ngành và đòi hỏi nỗ lực hợp tác giữa các nhà khoa học trong khoa học máy tính, hóa học, môi trường, nông nghiệp chăm sóc sức khỏe với sinh học”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu khoa học của Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM: giải quyết các bài toán lớn của xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO