Nghiên cứu cây thuốc mọc hoang tại núi Cấm, An Giang

N.Quỳnh| 02/10/2018 09:46

KHPTO - Nghiên cứu sự đa dạng và phân bố cây làm thuốc mọc hoang tại núi Cấm, An Giang, các tác giả Phùng Thị Hằng, Phan Thành Đạt, Huỳnh Thanh Thiên, Trần Quốc Hão và Ngô Thanh Phú, Trường đại học Cần Thơ nhận thấy, rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc với tỉ lệ cao nhất. Thấp khớp, nhức mỏi, ho, sốt và tiêu chảy là các nhóm bệnh sử dụng cây thuốc ở đây điều trị hiệu quả nhất.

Do có môi trường trong lành, không có nguy cơ ô nhiễm nên chất lượng cây thuốc ở đây được xác định là tốt. Song, với áp lực kinh tế và nhu cầu điều trị bệnh bằng đông y ngày càng tăng nên việc khai thác nguồn dược liệu diễn ra mạnh mẽ dẫn đến các sinh cảnh và thảm thực vật ở đây liên tục bị tác động, thay đổi. Cho đến nay đã có nhiều dự án xây dựng mô hình phát triển một số dược liệu tại Núi Cấm nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác hợp lý, đúng qui định. Tuy nhiên, các dự án này chỉ tập trung vào một số đối tượng có giá trị kinh tế, chưa thật sự chú trọng đến tiềm năng nhóm cây hoang dại.

Phần lớn diện tích rừng núi Cấm là rừng trồng với các loại cây mọc nhanh như: Keo lá tràm, Keo tai tượng kết hợp với các loại cây gỗ quý: Sao, Dầu, Giáng hương và cây ăn quả lâu năm. Rừng tự nhiên có diện tích không nhiều và mặc dù chỉ còn là rừng thứ sinh, nhưng vẫn có giá trị rất lớn. Với xu hướng sử dụng nguồn dược liệu trong nước ngày càng tăng, việc tìm kiếm, xác định giá trị các loại cây mọc hoang được quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây. Điều tra cây thuốc mọc hoang tại núi Cấm, không chỉ tìm kiếm nguồn thuốc mới, phục vụ cho các định hướng nghiên cứu về khai thác nuôi trồng hợp lý mà còn tạo cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái khu vực này.

Kết quả điều tra tại các tuyến thu mẫu ở núi Cấm, An Giang đã ghi nhận được 120 loài cây làm thuốc mọc hoang thuộc 107 chi, 54 họ của 2 ngành thực vật: ngành Dương xỉ (Pteridophyta) và ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta). So sánh với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Thắng năm 2012 ở Bảy Núi (có 415 loài, thuộc 112 họ thực vật) cho thấy số cây làm thuốc ở núi Cấm chiếm hơn 1/4 số lượng loài và chiếm gần 1/2 số họ thực vật làm thuốc của toàn vùng. Rõ ràng, sự đa dạng cây làm thuốc mọc hoang tại núi Cấm có vị trí quan trọng cho cả khu vực này. Chi tiết hơn trong các loài làm thuốc ở núi Cấm, ngành Ngọc Lan là ngành đa dạng nhất với 117 loài, 104 chi và 51 họ chiếm tỉ lệ tương ứng 97,50%, 97,20% và 94,44% của cả hệ. Ngành dương xỉ với 3 loài (chiếm 2,50%), 3 chi (chiếm 2,80%) và 3 họ (chiếm 5,56%). Trong ngành Ngọc lan, tỉ lệ loài giữa lớp Ngọc lan và lớp Hành (M/L) là 3,5.

Đánh giá đa dạng về bộ phận sử dụng, kết quả cho thấy bộ phận rễ được sử dụng làm thuốc trong danh sách điều tra ở núi Cấm chiếm tỷ lệ cao nhất với 43 loài (chiếm 35,83%). Đa số những loài sử dụng rễ làm thuốc thuộc dạng thân thảo và mọc khắp nơi. Xét về công dụng làm thuốc, phân theo từng nhóm bệnh, đã thống kê được 45 nhóm bệnh có thể dùng các cây thuốc ở núi Cấm để điều trị. Số lượng loài có thể điều trị các nhóm bệnh là khác nhau. Trong đó, nhóm cây điều trị bệnh thấp khớp là cao nhất với số lượng 27 loài (chiếm 22,5%). Kế đến là nhóm bệnh tiêu chảy với 23 loài (chiếm 19,17%). Nhóm cây chống ho có 21 loài (chiếm 17,5%). Nhóm cây hạ sốt với 20 loài (chiếm 16,67%).

Kết quả điều tra cho thấy các loài thực vật bậc cao làm thuốc ở núi Cấm phân bố ở các sinh cảnh là không đồng đều. Hai sinh cảnh có thành phần loài làm thuốc chiếm tỉ lệ cao là sinh cảnh lối mòn (với 74 loài) và sinh cảnh rừng rậm (với 69 loài). Sinh cảnh ít loài nhất là khu vực nhà ở, khu dân cư (với 21 loài). Xét sự phân bố theo độ cao, các loài cây làm thuốc ở núi Cấm phân bố rải rác từ chân núi đến độ cao khoảng 300 m. Số lượng cây thuốc tập trung nhiều nhất ở độ cao từ 400 - 500 m, với đủ 4 dạng sống leo, gỗ, thảo, bụi. Đây là nơi phình to nhất của Núi cấm, đa phần là sinh rừng rậm rạp, và ít điểm khai thác du lịch cũng như phát triển vườn trồng.

Khu vực đỉnh núi (Vồ Bồ Hong, cao 716 m so với mặt nước biển) chỉ có vài loài cây thuốc thân bụi và thân thảo. Khu vực này ít loài vì diện tích nhỏ và có duy nhất một sinh cảnh là nhà ở, khu dân cư (sinh cảnh ít loài nhất), đồng thời thời tiết khá khắc nghiệt (sương mù vào sáng sớm và nhiệt độ thấp khi về đêm). Khu vực Vồ Đầu (với độ cao hơn 570 m so với mực nước biển), số lượng loài cũng ít đa phần là dạng thân thảo và thân leo, qua khảo sát cho thấy sinh cảnh chủ yếu ở đây rừng đang bị khai thác, số lượng cây thân gỗ và bụi gần như không còn, chỉ có các loài thân thảo mọc thấp trên mặt đất và một số cây dạng leo bò trên các tảng đá nhấp nhô trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận, hệ thực vật bậc cao làm thuốc mọc hoang dại tại núi Cấm, An Giang đa dạng với 120 loài, thuộc 107 chi, 54 họ của 2 ngành thực vật: ngành Dương xỉ và ngành Ngọc lan.

Ngành Ngọc lan là ngành đa dạng nhất với 117 loài, 104 chi, 51 họ. 10 họ có số loài đa dạng nhất, chiếm 18,52% tổng số họ của cả hệ, số loài đạt được là 44 loài chiếm 43,75% tổng số loài và 44 chi chiếm 34,06% tổng số chi của toàn hệ.

Hệ thực vật bậc cao làm thuốc mọc hoang dại ở núi Cấm chia thành 4 nhóm dạng sống trong đó nhóm cây dạng thân thảo có số loài nhiều nhất với 44 loài và thấp nhất là nhóm cây thân gỗ với 21 loài. Rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc với tỉ lệ cao nhất. Thấp khớp, nhức mỏi, ho, sốt và tiêu chảy là 4 nhóm bệnh sử dụng cây thuốc ở đây điều trị hiệu quả nhất.

Sáu loài thực vật có trong Sách đỏ Việt Nam (Bộ khoa học và công nghệ và Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, 2007) được xếp vào mức độ sẽ nguy cấp (EN) là Từ collett (Dioscorea collettii Hook. f), Từ mỏng (Dioscorea membranacea Pierre ex Prain et Burkill), Ráng bay (Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J. Smith), Bình vôi (Stephania cepharanthaHayata), Trầm hương (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte) và Giáng Hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz). Các cây làm thuốc ở Núi Cấm tập trung ở độ cao 400 – 500 m tại các sinh cảnh rừng rậm, lối mòn có ít người đi lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu cây thuốc mọc hoang tại núi Cấm, An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO