Nghề thủ công ở Bình thuận

Như Hoa| 15/07/2017 09:38

KHPTO - Theo nghiên cứu “Địa danh chỉ nghề nghiệp: một đặc trưng văn hóa của người Việt ở Bình Thuận” của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận đã hình thành nhiều địa danh phản ánh nghề nghiệp, các hình thức mưu sinh của lớp lưu dân trên bước đường khai hoang lập làng xóm.


Trước và sau năm 1945, ở làng Phú Bình, nay là thôn Thuận Thắng, còn gọi là “Hợp 5”, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, có một xóm nhỏ chừng 10 nóc nhà chuyên nghề rèn cuốc, rựa, dao, liềm, hái phục vụ nghề nông nổi tiếng một thời. Sáng sớm đứng từ xa nhìn vào xóm thấy khói lò bay trên nóc nhà, đến gần xóm hơn chút nữa thì nghe rõ tiếng bể thụt thổi phì phò. Từ sáng đến chiều trong xóm không có tiếng động nào khác ngoài tiếng bể thụt thổi gió vào lò rèn và tiếng búa đe vang lên chan chát. Chính từ đặc điểm ngành nghề này đã tạo cho xóm nhỏ làng Phú Bình xưa địa danh Lò Thổi. Xóm/ đường Trại Cưa nay thuộc khu phố 7, phường Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết) được hình thành từ đầu thế kỉ XX, cách đây hơn 100 năm. Vào năm 1898, Phan Thiết tách khỏi phủ Hàm Thuận để trở thành thị xã, tỉnh lị tỉnh Bình Thuận. Việc xây dựng dinh thự, công sở, phố xá, nhà xưởng, đóng ghe, đan thúng… cần rất nhiều gỗ, tre, dầu rái… và nhân công. Đầu thập niên 30, con đường ven hữu ngạn sông Cà Ty được xây dựng, nơi tập trung các bến tre, bến gỗ, trại tre, trại cưa… và đặt tên là đường Trại Cưa, tức là đường Trưng Nhị ngày nay, nối từ cầu Trần Hưng Đạo đến bên trên cầu Dục Thanh. 
Nghề nuôi tằm, dệt lụa nức tiếng qua các địa danh xóm Lụa ở làng Xuân Hội, Hiệp Thành nay là xã Hồng Thái (huyện Bắc Bình), xóm Tằm (xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình). Theo tài liệu “Nghề thủ công truyền thống dân gian ở Bình Thuận” thì xóm Tằm, tên gọi của làng Xuân Hội nằm ở tả ngạn sông Thương, một vùng dân cư chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ cung cấp cho một làng lân cận nằm ở hữu ngạn sông Thương chuyên nghề dệt lụa với biệt danh xóm Lụa, tên gọi của làng Thương Thủy (nay là thôn Hiệp Thành, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình). Từ năm 1908, địa danh xóm Lụa còn được gọi ở Phú Long (xã Hàm Nhơn, huyện Hàm Thuận Bắc) nơi tiếp giáp 3 con sông: sông Cạn, sông Cái, sông Quao nên còn gọi là xóm “Ngã Ba Sông”. Hồi ấy, ven sông Thương (Chợ Lầu) và ngã ba sông (Phú Long) có nhiều đất bãi trồng dâu xanh tốt nên nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa sớm phát triển, tạo nên cuộc sống trù phú của dân làng. Đến phiên chợ, nghệ nhân các xóm Lụa ven sông Thương, ngã ba sông Phú Long mang lụa tới bán. Khách hàng bốn phương đổ về mua tấp nập. Chiếc áo dài bằng lụa mịn màng, óng ả làm cho các cô gái có vẻ đẹp thêm nền nã, dịu dàng. 
Gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Phan Thiết là địa danh đất Ba Hộ. Theo Lâm Quang Hiền (2005, tập 3) thì đất Ba Hộ là địa danh dân gian chỉ vùng đất Phố Hài xưa giàu tiềm năng kinh tế và sớm phát triển ngành nghề sản xuất kinh doanh từ giữa thế kỉ XIX. Hồi ấy, hộ là ngành nghề sản xuất kinh doanh do nhà vua cho phép, quản lí và thu thuế. Năm 1851, theo lời xin của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức chuẩn y cho dân Bình Thuận lập các “hộ” và Phố Hài nổi tiếng là đất Ba Hộ gồm Hộ bạch đàm, Hộ nước mắm, Hộ ghe bầu, riêng làng Tân Phú có thêm Hộ muối.
Hộ bạch đàm chuyên dệt đệm trắng bằng lá buông. Lá buông phơi khô rọc từng mảnh dài rộng khoảng 1cm rồi nối lại đem dệt thành đệm dài 4 – 6m, khổ rộng 0,5 – 0,8m và cuộn thành bó tròn coi như một đơn vị hàng hóa. Đệm trắng dùng làm đệm buồm cho ghe thuyền đi biển, đi sông, làm bao bì đựng muối, hải sản khô và làm dải băng viết khẩu hiệu. Trước năm 1945, đệm trắng Phú Hài ngoài việc phục vụ cho thuyền buồm, bao đệm trong tỉnh, còn xuất đi Chợ Lớn, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Đến năm 1970 còn xuất đi Sài Gòn – Chợ Lớn khoảng 8000 tấn/ năm.
Cùng với Hộ bạch đàm, Hộ ghe bầu vận tải cũng phát triển sớm từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX, tồn tại trên 200 năm. Lúc bấy giờ ở nước ta giao thông vận tải Bắc – Nam chủ yếu bằng đường biển với loại ghe bầu có trọng tải lớn chở được 10.000 đến 20.000 tỉn nước mắm hoặc 10 đến 14 tấn hàng hóa khô. Ngày xưa, cửa biển Phố Hài rộng và sâu rất thuận lợi cho thuyền lớn các nơi ra vào cập bến. Riêng Phú Hài, Hộ ghe bầu có tới 3 – 4 chục chiếc, cùng với ghe bầu Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gàn, La Gi xuất nước mắm, hải sản khô, dầu rái, mộc dân dụng đi các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ, Hải Nam, Java và Singapore. Cùng với Phan Thiết, Hộ nước mắm Phố Hài cũng nổi tiếng một thời. Đầu thế kỉ XX, Phố Hài có khoảng 30 hộ chuyên nghề chế biến nước mắm, người dân địa phương gọi chung là hàm hộ. Sức sản xuất của mỗi hàm hộ được tính bằng que, mỗi que 12 thùng, mỗi thùng chứa từ 5 đến 7 tấn cá. Hàm hộ cỡ lớn lên tới chừng 100 thùng. Nguyên liệu chế biến nước mắm phổ biến là cá nục, cá cơm. Sản phẩm cuối cùng là nước mắm nhỉ, nước mắm lú màu vàng cánh gián vừa ngọt đậm, vừa mặn dịu, độ đạm cao cho vô tỉn xuất bán khắp ba kỳ Trung, Nam, Bắc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề thủ công ở Bình thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO