Nghệ sĩ Trần Nhật Minh: Hợp xướng sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng

07/03/2008 10:01

Trong chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HSBO) tại Nhà hát thành phố vào ngày 9/3/2008 tới đây, bên cạnh màn trình diễn của GS. NSND Tạ Bôn, nghệ sĩ piano Lý Giai Hoa, còn có sự góp mặt của chỉ huy dàn hợp xướng Trần Nhật Minh. Anh đã hoàn thành xong khóa nghiên cứu sinh ngành chỉ huy hợp xướng tại Nhạc viện Tchaikovsky (Moskva) và trở về công tác tại HSBO. Vài ngày trước khi chương trình biểu diễn được tổ chức, PV báo Khoa Học Phổ Thông đã có dịp trò chuyện với anh.

PV:Cái tên Trần Nhật Minh thật sự được công chúng trong nước biết đến từ cuộc thi Chỉ huy hợp xướng hàn lâm toàn nước Nga lần thứ IV, tuy vậy, có lần anh chia sẻ vì cảm thấy chán học lý luận nên đã chọn học ngành chỉ huy hợp xướng?

Nghệ sĩ Trần Nhật Minh: À, đấy chỉ là một phần lý do đưa tôi đến với chỉ huy hợp xướng thôi. Tám năm trước, khi mới sang Nga, tôi chưa hề hình dung mình sẽ làm gì với chuyên môn chỉ huy hợp xướng, không nghĩ đến việc sau này về nước có đất dụng võ hay không. Nhưng tôi vẫn quyết định học bởi nhiều người bảo rằng, chỉ huy hợp xướng là người có thể điều khiển mọi người, chỉ cần mình giơ tay là mọi người hát. (Cười) Qua những chuyến đi lưu diễn trên toàn nước Nga và thế giới với tư cách là ca viên trong dàn hợp xướng do giáo sư Boris Tevlin chỉ huy, tôi đã tích góp được nhiều kinh nghiệm hữu ích cả về nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Hợp xướng đã mang đến cho tôi sự tự tin, các kỹ năng sống cơ bản cũng như sự tự do trong cuộc sống. Ngần ấy năm trôi qua, càng học, càng gắn bó với dàn hợp xướng tôi càng cảm thấy mình đã quyết định đúng.

Cũng xin nói thêm, hợp xướng thật sự rất hay, đây là một loại hình nghệ thuật rất dễ đi vào lòng người bởi lời ca tiếng hát, và tinh thần tập thể cao giữa các thành viên. Các ca viên trong dàn hợp xướng phải biết lắng nghe nhau, cùng phối hợp nhịp nhàng, có cùng suy nghĩ giống nhau trong khoảng thời gian trình diễn theo sự dẫn dắt của chỉ huy. Còn chỉ huy hợp xướng không phải cứ hoa chân múa tay là xong mà phải trò chuyện với các ca viên để hiểu họ, biết thế mạnh và điểm yếu của từng người để tạo nên một dàn hợp xướng tốt. Vì thế, các thành viên trong dàn hợp xướng có mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn. Ở các nước như Mỹ, Nga, người ta cho trẻ con tham gia vào dàn hợp xướng để tập cho chúng tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, biết sống vì mọi người.

* Nhưng số lượng tác phẩm được sáng tác dành riêng cho dàn hợp xướng của Việt Nam còn rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có?

- Đúng là nguồn tác phẩm thuần Việt được sáng tác riêng cho hợp xướng của chúng ta rất ít, nhưng chúng ta vẫn có thể dựa vào nguồn ca khúc cách mạng rất hay để chuyển thể sang cho dàn hợp xướng mà. Cô Hoàng Điệp và một số thầy cô khác đã làm việc này từ rất lâu rồi. Và trong thời gian tới, tôi cũng sẽ thử bắt tay vào việc chuyển thể hoặc sáng tác các tác phẩm dành riêng cho dàn hợp xướng của chúng ta.

* Dường như anh luôn có cái nhìn lạc quan về tương lai của hợp xướng tại Việt Nam?

- Tại sao tôi không thể lạc quan nhỉ? Việt Nam chúng ta sau khi trở thành thành viên của WTO đã mở ra rất nhiều cơ hội phát triển về tất cả mọi mặt từ kinh tế cho đến văn hóa. Tôi nói điều này nghe có vẻ rất quen tai, nhưng sự thật là, sự phát triển về kinh tế đã tạo nền cho những người làm nghệ thuật có điều kiện để mang đến cho công chúng những chương trình có chất lượng ngày càng cao. Trong nền tảng chung đó, nhạc cổ điển cũng ngày càng được công chúng đón nhận đông đảo hơn. Không nói xa xôi, HBSO đã có hai chương trình biểu diễn thường xuyên vào ngày 9 - 19 hàng tháng thu hút được sự quan tâm đông đảo của không chỉ khán giả yêu nhạc cổ điển trong nước mà còn là điểm hẹn của bạn bè quốc tế sống, làm việc tại Việt Nam, và một số ít khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Những năm trước tình hình rất mịt mù, tôi chưa bao giờ nghe đến một dàn hợp xướng chính quy, chỉ nghe nói đến một số ca đoàn nhỏ. Còn bây giờ thì HBSO đã duy trì được lịch diễn đều, chương trình nào cũng có hợp xướng, trình độ ngày càng cao với sự hướng dẫn của những người thầy đi trước như cô Bình Trang, Hoàng Điệp đã tạo cho tôi niềm tin rằng, rồi đây, hợp xướng sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.

* Và vì niềm tin đó mà có lần anh đã chia sẻ, rằng anh muốn thành lập một công ty chuyên cung cấp dàn hợp xướng?

- Kế hoạch mở công ty thì hiện tại chưa tiến hành được đâu, bởi tôi cần có thời gian để trau dồi nhiều nhưng trong tương lai, tôi cũng muốn tiến hành dự án này vì tôi muốn chủ động đưa hợp xướng đến gần với công chúng hơn nữa. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc có một tiết mục hợp xướng trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm văn hiến, hay trong buổi lễ tổng kết, hội nghị khách hàng của các công ty? Tôi nghĩ điều này sẽ mang lại sự phấn khích cho người tham dự bởi sự mới lạ của hợp xướng. Tôi hy vọng rằng, dàn hợp xướng của mình không chỉ chinh phục được khán giả trong nước mà còn có thể giới thiệu rồi sau đó chinh phục khán giả thế giới như một số nước châu Á khác đã làm được.

* Hầu hết mọi người khi được bơi ra đại dương lớn thường không muốn quay về cái ao nhỏ, còn anh, tại sao lại quyết định quay về? Phải chăng anh phải về vì đi du học theo diện “chương trình đào tạo 300 tiến sĩ của TP. HCM”?

- Tiếp xúc rất nhiều với anh chị em du học sinh trên thế giới, tôi biết rất nhiều người tỏ thái độ rất muốn về nước. Bởi như đã nói, đất nước chúng ta giờ đã khác, về nước chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để làm nghề, tại sao lại không về? Các anh chị thành danh ở nước ngoài như Lê Phi Phi, Nguyễn Bích Trà, Nguyễn Hữu Khôi Nam... thi thoảng trở về đã tạo nên sự chú ý trong công chúng. Biết đâu qua những chương trình mà các anh chị tham gia lại khơi dậy suy nghĩ “Sao chúng ta không thử cho con cái theo học nhạc?” trong lòng một số bậc phụ huynh và nhờ đó, chúng ta lại có thêm nhiều tài năng âm nhạc! Tôi cũng được biết, các anh chị em hoạt động nghệ thuật trong nước, rất trông mong các đồng nghiệp đang làm việc tại nước ngoài trở về, cùng làm nghề, cùng xây dựng các chương trình có chất lượng. Bên cạnh đó, các khóa học ngắn hạn do chính các anh chị đứng lớp với những bài học thực tế sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sinh viên chưa có điều kiện cọ xát trong môi trường âm nhạc thế giới. Sự chung tay góp sức này đều mong muốn âm nhạc Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng trên thế giới. Không biết nói thế có to tát quá không nhưng tôi thật sự hy vọng như vậy.

Trong nghệ thuật, chuyện nghề dạy nghề cũng quan trọng không kém việc bạn được đào tạo bài bản từ trường lớp. Mỗi lần biểu diễn là một lần bạn có cơ hội thực hành, áp dụng những kiến thức mình đã học và nhờ đó mà mình trưởng thành. Vì thế, tôi nghĩ mình cần một quãng lặng nho nhỏ, một khoảng thời gian chừng 1,5 - 2 năm để áp dụng những lý thuyết mình học được suốt tám năm qua và có thời gian để trau dồi thêm ngoại ngữ hoặc tham gia các khóa tu nghiệp ngắn hạn. Do vậy, tôi nghĩ, ở độ tuổi 26 - 27, có một chút kinh nghiệm thực tế rồi lại tiếp tục học hỏi, nghe có vẻ hợp lý hơn là cứ cắm đầu học mãi. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Trần Nhật Minh: Hợp xướng sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO