Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh: Bí quyết sống thọ và khỏe

07/08/2006 22:03

Một đời gắn với chiếc máy ảnh Võ An Ninh đến nghệ thuật nhiếp ảnh rất sớm, từ khi còn là một cậu bé lên 8; 15 tuổi, đã có ảnh được đăng báo và chỉ rời chiếc máy ảnh cũ kỹ, cọc cạch khi tuổi đã quá cao. Trong suốt hơn 80 năm cầm máy, ông bao giờ cũng là người xông xáo, năng nổ luôn tìm tòi, khám phá để chụp được những tấm ảnh thật độc đáo. Thành quả của những năm tháng lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ, gia tài của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đã lên đến hàng chục vạn bộ ảnh, trong đó, có rất nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng trong và ngoài nước. Tác phẩm “Buổi sáng trên đê sông Hồng” của ông được Hội Mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam trao giải thưởng ngoại hạng. Năm 1938, Võ An Ninh cùng lúc có hai tác phẩm được giải thưởng quốc tế, đó là tác phẩm “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris và “Chợ bán nồi đất” được Bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha. Cũng trong năm này, ông được tặng Huy chương vàng.....

Cụ Võ An Ninh còn là chủ nhân của nhiều bộ ảnh nổi tiếng mang tính lịch sử đặc biệt là bộ ảnh ghi lại nạn đói lớn nhất. Vào thời điểm đó, trong lịch sử Việt Nam, năm 1945. Vào thời điểm đó, Võ An Ninh cùng chiếc máy ảnh treo trên ghi-đông xe đạp rong ruổi mọi nẻo đường ghi lại những hình ảnh người người nằm vất vưởng dọc đường chờ chết, xác được tập trung lại một chỗ để thiêu hủy. Ông cho biết: “Lúc ấy, tôi chỉ ghi lại một cách khách quan chứ không hề nghĩ đến việc bộ ảnh này sẽ trở thành sử liệu, nhân chứng lịch sử của dân tộc”. Trong bộ ảnh ấy, bức ảnh hai em bé ngồi chờ chết bên cây số hai Thái Bình gây nhiều xúc động nhất. Ngoài ra, ông còn có nhiều bộ ảnh quý giá khác như bộ ảnh về Bác Hồ hoạt động trong những năm 1945 - 1946, bộ ảnh ghi lại hoạt động của thanh niên học sinh Sài Gòn 1950, quân đội Mỹ đến Sài Gòn năm 1950, sự tàn phá của máy bay Mỹ những năm 1965 - 1972 ở miền Bắc... Võ An Ninh đã viết những trang sử không gì có thể thay thế bằng ống kính và ông cũng trở thành một trong những nhân chứng của thời đại.

Không chỉ được mệnh danh là “Người chép sử bằng ảnh”, Võ An Ninh còn được các nhà phê bình nghệ thuật Pháp tôn là “Bậc thầy của phong cảnh”. Ông đã đặt chân đến hầu hết mọi vùng của đất nước. Ông đã đi chùa Hương, Tam Đảo không biết bao nhiêu lần trên chiếc xe đạp cọc cạch của mình, nằm lại hàng tuần chỉ để “chộp” được một khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên. Riêng với mảnh đất Sapa, để chụp được một vài bức ảnh ưng ý, cụ Võ dường như đã dành cả tuổi trẻ của mình. Ông đã trở đi, trở lại mảnh đất này, và dù 100 tuổi rồi, ông vẫn có thể kể cả ngày không hết chuyện về Sapa, về mây và núi, sương mù ở đó. Và dĩ nhiên, chỉ có người từng nằm phục chờ mây bằng rượu, ngủ tạm trong lều địa chất chờ chụp cảnh tuyết rơi, người rét cóng lại như cụ Võ thì mới thấu hiểu được nỗi gian truân của một bức ảnh đẹp. Và không chỉ có Sapa trầm mặc trong mây mù, mà còn có một rừng thông Đà Lạt đẹp trong từng vệt nắng, sắc màu rực rỡ, bừng tỏa của hoa đào Nhật Tân.

Ngoài những bức ảnh được giải, đã công bố, năm 1991, Thông tấn xã Việt Nam đã xuất bản tập sách “Ảnh Võ An Ninh” bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp. Tập sách nhỏ là tư liệu quý cho những người yêu nghệ thuật. Đây chỉ là một tuyển tập khiêm tốn so với kho tư liệu hàng chục nghìn phim mà cụ Võ có được trong suốt một đời theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh. Hiện gia đình đang rất lo lắng trong việc giữ gìn và bảo tồn kho tàng quý giá ấy. Với những gì Võ An Ninh đã cống hiến cho đất nước, ông đã được thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.

Bí quyết sống khỏe, sống vui

Nhìn cụ Võ khỏe mạnh, gương mặt hồng hào, cười tươi tiếp đón quan khách đến tham dự tiệc mừng đại thọ (được tổ chức vào ngày 18/7/2006 khách sạn Novotel Garden Plaza) không thể tin rằng, năm 2001, cụ suýt ra đi trong một lần phát bệnh tắc động mạch vành. Cụ móm mém cười và bắt đầu câu chuyện: “Cuộc đời tôi gắn bó với chiếc máy ảnh, còn phương tiện đi lại, tôi chỉ thích đi xe đạp và đi bộ. Ngoài ra tôi còn rất thích leo cây, leo dây. Tôi coi đấy là những bài tập thể lực của mình. Mà có lẽ nhờ thế nên tôi mới sống được đến ngần này tuổi!”. Bác Vũ Thái An, con trai trưởng của cụ Võ nói thêm: “Hình ảnh mà anh em tôi ấn tượng nhất về bố là ông cụ dậy rất sớm, chạy bộ vài vòng, sau đó tắm. Dù trời rét đến thế nào, cụ vẫn tắm nước lạnh. Cụ giữ thói quen ấy từ ngày còn trẻ cho đến lúc đã có tuổi”. Cụ Võ giải thích “Thức dậy sau một giấc ngủ dài, phải chạy bộ vài vòng, chỉ chạy vài vòng thôi, để đánh thức các cơ quan, để máu lưu thông khắp cơ thể, sau đó tắm để đầu óc minh mẫn mà bắt tay vào làm việc sẽ hiệu quả hơn”. Tiếp lời bố, bác An nói: “Cả tám anh em tôi, ai nấy đều khỏe mạnh dù đều đã ngoài lục tuần là nhờ được rèn luyện thói quen này từ nhỏ”.

Là người đi từ Nam chí Bắc nên cụ Võ hầu như đã nếm hết các món ăn của từng vùng, từng miền và qua thường thức, cụ tự học cách chế biến không ít món ngon. Cụ kể: “Ngày xưa, tôi nấu được tất tần tật các món. Giỗ Tết gì cũng một mình tôi nấu nướng. Chỉ cần một con dê là có một mâm cỗ thịnh soạn với 10 món. Mà nấu nướng là phải có nghệ thuật hẳn hòi đấy nhé! Quan trọng nhất trong khi nấu ăn là ngọn lửa. Món nướng chỉ dùng lửa nhỏ, hồng than, thức ăn chín trong nhưng không cháy ngoài, không mất chất. Món hầm thì nhất thiết phải giữ cho ngọn lửa nhỏ đều, lâu. Còn món xào, lửa phải cháy to, rau mới ngon”.

Dù nấu ăn ngon nhưng chuyện bếp núc trong nhà vẫn do nội tướng của cụ đảm nhận. Cụ Võ có hai người vợ. Người vợ thứ nhất rất hay ghen. Bà đã phá hủy không ít những bức ảnh thiếu nữ tuyệt đẹp do ông chụp. Chính vì ghen tuông thái quá, bà đã lâm trọng bệnh và mất năm 30 tuổi. Sau đó, ông tái hôn và sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ với người vợ thứ hai. Với một người ít ở nhà như cụ Võ thì một người vợ đảm đang, biết chăm sóc gia đình, nuôi con khéo là một hậu phương vững chắc để người đàn ông có thể yên tâm làm việc. Tám người con đã khôn lớn và trưởng thành trong sự chăm sóc của mẹ, và noi theo tấm gương hoạt động, sáng tạo, cống hiến hết mình cho đất nước, nghệ thuật của bố.

Trong số đó, người con gái thứ 8 - Cô Lộc gần gũi bố nhất: “Chăm sóc người già không chỉ quan tâm đến bữa cơm, giấc ngủ, vệ sinh mà còn phải thường xuyên trò chuyện, lắng nghe bố mẹ. Gia đình tôi, từ con đến cháu, chắt thường xuyên chào hỏi, chuyện trò với hai cụ. Đây là liều thuốc bổ tinh thần không gì sánh bằng giúp các cụ giữ được tinh thần minh mẫn. Hơi ấm của tình thân, sự quan tâm, yêu thương hết mình của con cháu là bí quyết giúp bố mẹ tôi sống lâu!” Cô Lộc cho biết thêm: “Ngày còn trẻ, bố tôi rất thích gặm xương, thích ăn mặn, chua, cay nhưng giờ thì cụ không thể ăn như trước kia được. Chúng tôi phải xay nhuyễn thức ăn để các cụ dễ tiêu hóa, ăn đúng giờ vì cụ còn bị bệnh bao tử. Thực đơn được thay đổi hằng ngày vẫn đảm bảo đủ chất nhằm đảm bảo sức khỏe cho bố mẹ”.

Đã thành lệ, cứ vào cuối tuần, cả gia đình lại cùng nhau đi chơi, dã ngoại. Cụ còn là khán giả thường xuyên của chương trình hòa tấu kèn trước Nhà hát Thành phố vào mỗi sáng Chủ nhật. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh: Bí quyết sống thọ và khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO