Nghề nuôi chim yến còn nhiều thách thức

KIM OANH| 17/11/2019 11:12

KHPTO - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý gây nuôi chim yến và thực tiễn giám sát ở một số địa phương còn gặp một số thách thức.

Còn mang tính tự phát

Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long, kế đến là Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung; một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại Bắc Trung bộ; Tây Nguyên; đồng bằng sông Hồng.

Theo Cục chăn nuôi, thực tế tiềm năng và phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Nhiều tỉnh có lợi thế tự nhiên phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý gây nuôi chim yến và thực tiễn giám sát ở một số địa phương còn gặp một số thách thức. Như việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương nhưng đối tượng nuôi này lại chưa được điều chỉnh trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo. Quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu; chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính.

Mặt khác, việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ. Hiện việc quản lý mới được thực hiện trên một số cơ sở đăng ký, khai báo nhà yến và ước đạt sản lượng tổ yến thu được. Các cơ sở nuôi chim yến chưa rõ cơ quan cấp phép khi hoạt động. Bên cạnh đó, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá. Việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người...

Giải pháp phát triển nuôi chim yến

Tại Hội nghị tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết cho ngành yến để phục vụ xuất khẩu tổ yến mới đây tại TP.HCM do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, Cục chăn nuôi đã đưa ra một số giải pháp phát triển chăn nuôi chim yến như ban hành Nghị định hướng dẫn Luật chăn nuôi, trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến. Trong Nghị định sẽ đề cập chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại cấp có thẩm quyền quy định tại Luật doanh nghiệp hoặc phải đăng ký doanh nghiệp, những cơ sở không thuộc diện đăng ký doanh nghiệp phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có cơ sở nuôi chim yến.

Đồng thời, quy định vị trí xây dựng mới nhà yến phải phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng chiến lược phát triển chăn nuôi yến hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện, quy định khoảng cách nhà yến với nhà ở của người và khoảng cách với bệnh viện, trường học... Mặt khác, có lộ trình di dời đối với các cơ sở đã xây dựng trước đây mà không đáp ứng các quy định mới và để phù hợp với quy hoạch của địa phương. Xây dựng và ban hành TCVN Nhà yến - yêu cầu chung, TCVN Tổ yến - yêu cầu chung. Bên cạnh giải pháp quy hoạch, khoa học công nghệ, thị trường, kỹ thuật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề nuôi chim yến còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO