Nghề làm việc “xuyên biên giới”

TẤN NGUYỄN| 29/10/2010 15:43

Chị Thu Hồng đang làm phó phòng đào tạo tại một trường nghiệp vụ du lịch tư thục đột ngột làm đơn xin nghỉ việc, sau đó chị “bật mí”: Ở nhà làm công việc tận bên… Mỹ mà thu nhập tính ra gấp đôi ở trường. Không riêng gì chị Thu Hồng, hiện nay, tại TP.HCM, đã xuất hiện nghề làm việc xuyên biên giới bằng cái “click” chuột!

Văn phòng tại gia

Chị Thu Hồng được một người anh họ bên Mỹ nhờ tổng hợp các thông tin về thị trường nhà đất tại TP.HCM và các vùng lân cận trong tuần. Cuối tuần, chị có nhiệm vụ đánh giá tình hình chung rồi email thông tin đó qua cho ông anh. Chị cho biết, ông anh có một công ty kinh doanh và môi giới bất động sản, cho thuê văn phòng, cao ốc đa quốc gia, không chỉ ở Mỹ mà còn có văn phòng ở Singapore, Thái Lan… nên cần thông tin thị trường để có hướng đầu tư. Mức lương của chị Thu Hồng được trả 300 USD/tháng (tính ra khoảng 6 triệu đồng), hơn gấp đôi lương ở trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm khá đông. Nhiều người qua Việt Nam mở tài khoản đầu tư trực tiếp, tuy nhiên cũng có không ít người đầu tư từ xa. Vì vậy, tại TP.HCM, đã xuất hiện nhu cầu tuyển người chuyên ghi nhận và tổng hợp thông tin giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra hàng ngày và cả những diễn biến của các công ty phát hành cổ phiếu, các chính sách của nhà nước liên quan đến thị trường chứng khoán… để báo cáo. Anh Tâm, hiện nay vừa là nhà đầu tư chứng khoán, vừa là “chuyên gia” làm công việc này cho một tổ chức tài chính bên Hàn Quốc. Lương hàng tháng của anh nghe đâu lên đến 500 USD. Anh Tâm cho biết, cái khó của công việc này là ngoài việc tổng hợp thông tin còn phải biết phân tích, đặc biệt phải đưa ra được những dự báo, tiên lượng về thị trường cho “chủ nhân” để họ lên kế hoạch mua bán, đầu tư cổ phiếu.

Còn anh Thanh Tuấn (biệt danh Saigonguider) - một chuyên gia về du lịch, có điều kiện đi đến nhiều miền đất nước và bản thân anh cũng từng là người lính nên anh biết rất rõ về những trận đánh (anh là một trong những người đầu tiên mở tour đường Trường Sơn), biết nhu cầu nhiều cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam rất muốn tìm hiểu về tour chiến trường xưa, nên anh đã chào tour này qua mạng. Đặc biệt, anh còn có chương trình tìm bạn bè, người thân tại Việt Nam qua mạng cho những người ở xa quê hương, cựu binh Mỹ. Từ đây, rất nhiều cựu binh Mỹ, có cả những người Việt Nam ngày xưa “ở chiến tuyến bên kia” đang ở Mỹ, Úc, Anh… đã liên lạc với anh, nhờ anh tìm người thân, bạn bè thất lạc. Công việc của anh cứ thế phát triển, tuy thu nhập không ổn định nhưng khấm khá. “Điều quan trọng là tôi đem lại được tin vui, hạnh phúc cho nhiều người ở nơi xa, giúp họ liên lạc được với những người họ muốn tìm, muốn gặp bao nhiêu năm xa cách”, anh Tuấn nói.

Xuất khẩu lao động tại chỗ

Hiện nay, một nghề làm xuyên biên giới rất “sốt”, đó là nghề thiết kế (design). Không ít người như anh Trình, anh Châu (họa sĩ của một vài tạp chí) và nhiều sinh viên năm cuối của Trường đại học mỹ thuật TP.HCM, kiến trúc TP.HCM, khoa mỹ thuật Đại học quốc tế Hồng Bàng… nhận thiết kế ấn phẩm cho khách hàng ở nước ngoài. Anh Trình có người quen ở bên Mỹ làm mỹ thuật ứng dụng, nhưng hàng nhiều làm không xuể, nhân công bên đó lại thiếu và giá rất đắt, nên đã chuyển về Việt Nam nhờ anh thiết kế, từ những tờ bướm quảng cáo, sách, cho đến các mẫu mã bao bì sản phẩm… Khi thiết kế xong, anh chuyển qua Mỹ bằng đường email và bên đó chuyển lại (để chỉnh sửa) cũng qua email, rất tiện lợi, nhanh và chẳng tốn kém gì. Khi sản phẩm “OK” thì bên Mỹ sẽ tải xuống và đem đi in ấn hoặc chuyển thẳng cho khách hàng. Anh Trình thu nhập khấm khá, có tháng trên 1.000 USD. Công việc của anh không phải ăn lương tháng mà ăn theo sản phẩm. Anh cho biết, thiết kế một tờ bướm khổ A4 ở Việt Nam giá tiền công chỉ khoảng 500 ngàn đồng, đôi khi khách hàng còn chê đắt, còn làm sản phẩm tương tự cho bên Mỹ được trả 100 USD, tính ra được khoảng 2 triệu đồng.

Hình thức làm việc xuyên biên giới và mang tính quốc tế như thế ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất hàng hóa, công ty ở nước ngoài chưa có điều kiện hoặc chưa thấy cần thiết để mở văn phòng hay chi nhánh tại Việt Nam, thì họ có xu hướng thuê một hoặc hai người Việt Nam làm đại diện cho họ tại Việt Nam để giảm chi phí. Thường những người làm ở lĩnh vực cao cấp phải giỏi tiếng Anh và dĩ nhiên đồng lương của họ cũng chẳng thua kém những người đang làm việc cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đôi khi họ còn được phía đơn vị thuê làm việc “khuyến mãi” những chuyến xuất ngoại để du lịch hoặc tham dự một khóa huấn luyện nghiệp vụ ngắn hạn.

Chị Thu Hồng cho biết, ưu điểm của làm việc xuyên biên giới là chủ động được thời gian, thậm chí làm việc vào ban đêm nếu ban ngày bận. Còn anh Thanh Tuấn thì tự hào: “Làm cái nghề này rất tự do, không ai ràng buộc mình về giờ giấc, có thể vừa đi du lịch vừa làm việc cũng được, lại có thêm được nhiều bạn bè quốc tế cũng hay. Có thể nói, làm việc xuyên biên giới là hình thức “xuất khẩu lao động tại chỗ” rất tốt cho nhiều người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm việc “xuyên biên giới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO