Ngày Voi thế giới 12/8: Biến tiêu hủy ngà voi trở thành thông lệ tại Việt Nam

Việt Thy (theo ENV)| 12/08/2019 15:04

KHPTO - Ngày 12/8, người dân trên khắp thế giới sẽ kỷ niệm Ngày Voi thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ voi.

Tại Việt Nam, công tác đấu tranh xử lý tội phạm về ngà voi đã đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, trong nhiều vụ án liên quan đến một số lượng lớn ngà voi, các cấp tòa án đã ra quyết định tiêu hủy tang vật. Việc tiêu hủy ngà voi không chỉ là bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về voi mà còn góp phần vào “tuyên ngôn chung” bảo vệ loài voi của hàng chục quốc gia trên thế giới.

Tháng 11/2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép. Sau sự kiện này, đầu năm 2017, cơ quan chức năng thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi, sau khi tòa án nhân dân thành phố Lào Cai ra quyết định tiêu hủy tang vật.

Bên cạnh Lào Cai, trong tất cả các vụ án có tang vật ngà voi được các cấp tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, tòa án các cấp tại Hà Nội đều tuyên tiêu hủy toàn bộ số ngà voi thu giữ trong mỗi vụ án. Điển hình là quyết định tiêu hủy gần 1 tấn ngà voi tang vật trong một vụ bắt giữ ngà voi tại Thường Tín được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử hồi tháng 3/2019 .

Những quyết định tiêu hủy ngà voi của Lào Cai, Hà Nội đã nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức bảo tồn và dư luận, là hình mẫu để các địa phương khác có những động thái tương tự với tang vật ngà voi.

Tuy nhiên, so với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi được thu giữ trong 10 năm, từ năm 2010 – 2018, và đang tiếp tục tăng theo cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) thì số lượng những vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Sự kiện tiêu hủy tập trung 2,1 tấn ngà voi cuối năm 2016 là một sự khởi đầu đáng tự hào.

Bà Bùi Thị Hà - phó giám đốc ENV, cho biết: “Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 tới nay, ENV đã ghi nhận nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm ĐVHD qua các sân bay, hải cảng với tổng khối lượng tang vật bị thu giữ lên đến hàng chục tấn.

Việc bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm trong những năm qua là tín hiệu tích cực đóng góp vào nỗ lực chung triệt phá các đường dây tội phạm về ĐVHD.

Bên cạnh đó, việc quan tâm, xử lý tang vật liên quan tới các vụ án này cũng vô cùng cần thiết. ENV đề xuất, Việt Nam cần tiến hành tiêu hủy tang vật ngà voi, sừng tê giác thường niên để khẳng định cam kết của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn voi, tê giác toàn cầu”.

Trong bối cảnh Việt Nam bị cộng đồng quốc tế đánh giá vừa là thị trường tiêu thụ và địa bàn trung chuyển ngà voi đặc biệt quan trọng, việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và tuyên tiêu hủy ngà voi sẽ góp phần khẳng định quyết tâm triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi trái phép của Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, việc tiêu hủy ngà voi là một hành động lãng phí vì giá trị đặc biệt lớn và số lượng ngà này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như giảm việc tiếp tục sát hại voi tại châu Phi. Tuy nhiên, việc buôn bán ngà voi tịch thu trong các vụ bắt giữ không những trái với quy định của pháp luật quốc tế mà còn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và sử dụng ngà voi, và càng đẩy các loài voi châu Phi đến bờ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, chi phí lưu giữ, bảo quản hàng chục tấn ngà voi tang vật là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Chưa kể đến một số hiện tượng tiêu cực đã và có khả năng tiếp tục xảy ra trong công tác bảo quản ngà voi.

Vì thế, việc tiêu hủy các tang vật là ngà voi và sừng tê giác không chỉ góp phần quan trọng trong việc triệt phá các đường dây tội phạm mà còn ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt các tang vật này. Đồng thời, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác sẽ giúp giảm thiểu hàng chục tỷ đồng chi phí hàng năm cho việc lưu giữ tang vật.

“Tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ giáo dục – đào tạo hay nghiên cứu khoa học”, bà Hà, cho biết thêm.

Ghi nhận từ ENV, từ đầu năm đến nay có 7 vụ tịch thu ngà voi tại Việt Nam với tổng khối lượng lên đến hơn 3 tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Voi thế giới 12/8: Biến tiêu hủy ngà voi trở thành thông lệ tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO