Ngày hội trải nghiệm các ngành kinh doanh

Anh Thư| 12/04/2018 21:38

KHPTO - Ngày hội trải nghiệm ngành học kinh doanh do Trường đại học RMIT Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 1.000 học sinh phổ thông trung học và các bậc phụ huynh.

Có 10 “lớp học thử” thú vị, với nhiều hoạt động tương tác đã đem đến cho các em học sinh cấp 3 hình dung về một lớp học thật tại RMIT Việt Nam, nơi không phải thầy nói trò ghi, mà là một lớp học hoạt náo với nhiều hoạt động, nơi thầy đặt ra các câu hỏi để khơi gợi sức sáng tạo và suy nghĩ độc lập của sinh viên.

Các lớp học tương tác với những cái tên hấp dẫn như Phòng giao dịch chứng khoán, Hòn đảo thiên đường, Lãnh đạo nhóm siêu anh hùng, Kinh doanh xuyên lục địa, Chiến lược gia cung ứng, Sếp lớn toàn cầu, Chi tiêu thông minh… đều chật kín chỗ.

Âu Linh Chi, học sinh lớp 11 trường THPT Phúc Lợi chia sẻ “45 phút tham gia lớp học tương tác “Sếp lớn toàn cầu” với em rất bổ ích, trong lớp học hôm nay có nhiều bạn đến từ Hàn Quốc, em học được ở các bạn kỹ năng làm việc nhóm rất hiệu quả.”

Giải đáp vấn đề các phụ huynh quan tâm hàng đầu là “Ra trường làm gì?”, RMIT đã tổ chức tọa đàm “Hướng nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh” để giúp các bậc phụ huynh có những hiểu biết tổng thể về việc chọn ngành dựa trên cá tính và thế mạnh của con mình. Chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Hồ chia sẻ: “Điều quan trọng nhất không phải là xem ngành gì đang “hot” để học, vì nhu cầu thị trường sẽ thay đổi khá nhanh và liên tục, nhưng nếu được trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu thì khi thị trường thay đổi, sinh viên vẫn có thể tìm được một công việc tốt và phù hợp”.

Chị Nguyễn Vân Anh, một phụ huynh đến từ Hà Nội nói “Băn khoăn lớn nhất của tôi là hướng nghiệp cho con. Hai mẹ con đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với nhau để tìm hiểu xem con phù hợp với ngành và nghề gì. Sau khi tham dự tọa đàm hướng nghiệp của cô Phoenix Hồ, hiểu về trắc nghiệm tính cách Holland, tôi nhận ra kỹ thuật và sáng tạo là thế mạnh của con mình. Vì vậy, hai mẹ con đang nhắm học chương trình cử nhân quản lý chuỗi cung ứng và logistic.”

Những chia sẻ của chuyên gia đã mở ra định nghĩa mới cho công thức tuyển dụng. Theo đó, sự tổng hòa của của kỹ năng thiết yếu, mạng lưới chuyên nghiệp và nhu cầu thị trường sẽ là công thức của tuyển dụng thành công.

Âu Linh Chi cho biết “thu hoạch” lớn nhất khi đến với ngày trải nghiệm hôm nay là định hướng rõ ràng hơn về hướng nghiệp cho bản thân: “Trước đây em cứ nghĩ mình chỉ mạnh về nghệ thuật, sau hôm nay phát hiện ra em có thiên hướng rõ nét về nghệ thuật và quản lý”.

Ngày trải nghiệm còn mang đến thông tin hữu ích về các chương trình học bổng trong năm 2018, chương trình chuyển tiếp và trao đổi tới hơn 200 đối tác của đại học RMIT ở hơn 40 quốc gia trên toàn cầu, triển lãm các dự án khởi nghiệp của cựu sinh viên, và thông tin hoạt động của hơn 20 câu lạc bộ sinh viên năng động.

Được biết, RMIT Việt Nam vừa được trao giải Rồng Vàng, 15 năm liên tiếp. Trong suốt 16 năm hoạt động ở Việt Nam, trường đã và đang đóng góp hàng loạt sáng kiến đổi mới giáo dục. Giải Rồng Vàng vinh danh những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thành tựu vượt bậc trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng như đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam.

Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam, GS. Gael McDonald cho biết: “Trường nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách tập trung vào trải nghiệm sinh viên, thể hiện cụ thể qua những trải nghiệm học tập ứng dụng kỹ thuật số, liên quan đến thực tế và học đi đôi với hành. Một trong những thành tựu trọng yếu trong năm 2017 của trường là việc ra mắt phương pháp trải nghiệm học tập thực tế, giảm thiểu các kỳ thi, chuyển từ sách giáo khoa lỗi thời sang các tài liệu hiện đại, đồng thời nâng cao chuyên môn cho tất cả cán bộ giảng viên. Trong năm 2017, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, RMIT Việt Nam đã ra mắt ba chương trình mới gồm cử nhân quản lý du lịch và khách sạn, cử nhân digital marketing và cử nhân ngôn ngữ”.

trai_nghiem_ngay_kinh_doanh

GS.Gael cho biết thêm, RMIT Việt Nam hiện đang hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận, mọi khoản thu đều giữ lại trong nước và tái đầu tư lại cho trường. Trong 16 năm qua, RMIT Việt Nam đã trao 1000 suất học bổng trị giá hơn 238 tỷ đồng cho các bạn trẻ trên khắp Việt Nam cũng như trên thế giới. Hiện chương trình học bổng dành cho sinh viên theo học chương trình đại học, sau đại học và tiến sĩ. Cho đến năm 2015, trường đã đầu tư hơn 1632 tỉ đồng vào trang thiết bị giảng dạy hiện đại cũng như đội ngũ cán bộ giảng viên chất lượng cao tại cả hai cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM. Qua Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật số (ra mắt năm 2016), trường đã đóng góp vào việc xây dựng năng lực cho nhân lực trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, hỗ trợ phát triển chuyên môn trong áp dụng những phương pháp mới nhất vào dạy và học kỹ thuật số ở Việt Nam.

Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ cả hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội của trường đã lên đến 12.500 sinh viên, và hiện có khoảng 6000 sinh viên đang theo học ở RMIT Việt Nam.

“Có 96% sinh viên viên tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam có việc làm trong vòng một năm sau khi ra trường”, GS. Gael cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội trải nghiệm các ngành kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO