Ngành nông nghiệp chủ động phòng dịch bệnh H5N1 xảy ra trên gia cầm

T.H| 08/02/2020 21:27

KHPTO - Trước tình hình Trung Quốc vừa công bố bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở tỉnh Hồ Nam, ngày 3/2, bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là bệnh trên gia cầm rất nguy hiểm. Bởi, tổng đàn gia cầm của Việt Nam và Trung Quốc rất lớn. Bên cạnh đó, Hồ Nam cũng là địa phương rất gần với Việt Nam nên có khả năng lây lan dịch bệnh nếu không ngăn chặn tốt.

“Chính vì vậy, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công điện khẩn yêu cầu tất cả các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Các địa phương đảm bảo quy trình dịch tễ, chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học, cố gắng cao nhất không để dịch bệnh H5N1 xảy ra đối với gia cầm”, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục thú y cho biết, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời; địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh (3.000 con gà) vào ngày 21/1; đến nay không phát sinh thêm gia cầm bệnh.

Hiện nay, bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccin.

Virus gây bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm.

Ông Phạm Văn Đông nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình là hiện tổng đàn gia cầm rất lớn; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vaccin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới Corona (nCoV) gây ra.

Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 vàmột số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao, ông Phạm Văn Đông cho hay.

Ông Phạm Văn Đông cho biết, hiện Việt Nam cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Đầu tháng 1/2020, Cục thú y đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về tình hình lưu hành virus cúm gia cầm và khuyến cáo sử dụng các loại vaccin phù hợp với từng chủng, nhánh virus cúm gia cầm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, bên cạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, tiêm phòng vaccin cho đàn gia cầm, các địa phương cần chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vaccin. Các địa phương tổ chức tiêm vaccin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.Trong quý I/2020, lượng vaccin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là 55 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccin cúm gia cầm sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vaccin sản xuất trong nước là 200 triệu liều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành nông nghiệp chủ động phòng dịch bệnh H5N1 xảy ra trên gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO