Ngạc nhiên với sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh trung học

Anh Thư| 10/01/2018 14:35

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

Robot của học sinh phổ thông
Hàng ngày đi học, thấy nhiều người bị đoạn chi, di chuyển, hoạt động khó khăn, các em Nguyễn Lâm Tường và Huỳnh Thiện Tài, Trường THPT Marie Curie đã suy nghĩ giải pháp để giúp họ: chế tạo một cánh tay robot hỗ trợ cho người khuyết tật có thể hoạt động như bình thường. Nguyễn Lâm Tường cho biết: “Sau 2 tháng làm việc khẩn trương, nhóm chúng em đã hoàn tất một cánh tay robot hỗ trợ cơ chế vận động cho người khuyết tật thông qua điều khiển bằng chân và cử động của đầu. Cánh tay robot có thể thao tác công việc như người bình thường, từ đó họ sẽ cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn”. Huỳnh Thiện Tài giải thích thêm, cánh tay robot có thể thay thế hầu hết các cử động của con người, có thể thực hiện các chuyển động như cầm, nắm, nâng vật, lau nhà, quét nhà... Các em đã thực hiện một số phần mềm mô phỏng, khi liên kết với cánh tay đã hoạt động nhịp nhàng, linh hoạt, việc điều khiển đơn giản, dễ dàng, không cần nhiều thời gian để học cách sử dụng.
Cùng lĩnh vực robot, nhưng Võ Hiếu Linh và Nguyễn Hữu Huy, học sinh Trường THPT Gia Định đi theo hướng khác khi quyết định chế tạo cánh tay robot mô phỏng cử động bàn tay dùng trong phẫu thuật y sinh. Robot hỗ trợ công tác phẫu thuật, nghiên cứu điều khiển từ xa, giúp hạn chế rủi ro trực tiếp cho con người, có thể ứng dụng trong ngành y tế và công nghiệp hóa chất. Bao tay có gắn cảm biến uốn cong và cảm biến gia tốc. Smartglass hiển thị dữ liệu nhịp tim và nồng độ oxy trong máu lên màn hình oled, thông báo cho người dùng. Cánh tay robot nhận dữ liệu thông qua tín hiệu không dây và cử động theo chuyển động của bàn tay người mang bao tay.

Dùng khoa học giải quyết vấn đề của chính mình
Thường xuyên là nạn nhân của tình trạng thiếu ngủ, nên khi suy nghĩ tìm đề tài để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, hai em học sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, Trường THPT Gia Định đã chọn thực hiện đề tài “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT”. Có hơn 7.300 học sinh các trường THPT tại TP.HCM tham gia khảo sát, kết quả, hơn một nửa cho biết ngủ khá muộn, thường là sau 23 giờ và 20% sau 0 giờ; sáng hôm sau phải thức dậy lúc 5 giờ 30 đến 6 giờ để kịp đến trường. Do đó, hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng. Những con số trên cho thấy thực trạng thiếu ngủ của học sinh THPT ở thành phố đang ở mức báo động. Nguyên nhân, theo nghiên cứu này là thời gian làm bài tập, học bài ở nhà, thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi quá nhiều. Ngoài ra, áp lực căng thẳng từ cuộc sống, học hành cũng tác động không nhỏ đến giấc ngủ học sinh. Bên cạnh đó, 5.000 học sinh được hỏi cho rằng việc lên mạng sử dụng Facebook, Instagram, Youtube... cũng làm giảm thời gian dành cho việc ngủ. Hai học sinh đã đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên, chính từng cá nhân học sinh phải có phương pháp sắp xếp thời gian học hành, vui chơi hợp lý để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Các em cũng đề xuất 3 giải pháp khác, gồm: lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và giảm bớt bài tập về nhà. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngạc nhiên với sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh trung học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO