Những đồi thấp như ở miền Đông Nam bộ chỉ cao 50 - 150 mét, gần xích đạo hơn và cũng dễ thoát nước, ngoài cà phê, cao su, có thể phát triển thêm nhiều loại cây ăn trái tươi ít cần chế biến như cây trái bơ, hay cần chế biến như hột điều. Việt Nam từ con số 100 hecta trước năm 1975 nay đã xuất khẩu hạt điều đứng hàng thứ nhì thế giới, trên Brasil, chỉ còn thua Ấn Độ đôi chút, với diện tích gần nửa triệu hecta, nhân hột trích từ vỏ cứng đốt lửa gần 80.000 tấn. Và trên đất đỏ tốt có thể trồng ca cao, làm sô - cô - la. Đây là thị trường thương mại quốc tế rộng lớn, trên 5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Thị trường này còn rộng rãi hơn nữa nếu dân Trung Quốc theo trào lưu quốc tế, thích uống nước “cà phê” ca cao như dân Âu Mỹ. Ca cao cũng còn có thể thử nghiệm khuếch trương ở những thung lũng Tây Nguyên, có cao độ 120 - 160 m, như thung lũng Cheo Reo - Phú Túc (Phú Bổn), thung lũng Lạc Thiện (hồ Lak) và cao nguyên Ban Mê Thuột v.v… Các cao nguyên độ cao trung bình 500 - 700 m như cao nguyên Kontum (550 m), cao nguyên Dak Lak (400 - 500 m), cao nguyên M’Drak - Khánh Dương (500 m), vùng tây cao nguyên Pleiku (vùng Ia Drang - PleiMe), một phần cao nguyên Di Linh là những nơi nên đa dạng thêm các trái cây cận nhiệt đới, bán ôn đới, xuất khẩu được nhiều như trái bơ (loại thứ giống chịu lạnh như bơ sáp tím ngon là Hass, giống da láng vỏ xanh là Fuerte), hay loại trái hạch quả cao giá như dẻ bi (macadamia nut, noix du Queensland).