Nét mới tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 25

HỒNG DUNG| 17/07/2019 19:50

KHPTO - Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 25 (2017 - 2018), dự kiến lễ tổng kết và trao giải được tổ chức vào ngày 19/7/2019. Hội thi lần này có 126 đề tài tham gia, trong đó, nhiều đề tài/giải pháp được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Về lĩnh vực y tế, đề tài “Khảo sát thực trạng sự cố y khoa và các giải pháp can thiệp” tại Bệnh viện Trưng Vương của tác giả TS.BS. Lê Thanh Chiến và BS.CKII. Huỳnh Thị Thanh Trang, mang tính thời sự khoa học và thực tiễn. Đề tài nghiên cứu đã triển khai tại Bệnh viện Trưng Vương, thu thập được nhiều thông tin liên quan các sự cố y khoa, giúp bệnh viện xác định tỷ lệ các sự cố thường gặp và các nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến nhằm dự phòng, giảm thiểu các sự cố trong thực hành khám chữa bệnh.

Giải pháp “Ứng dụng xe cấp cứu hai bánh cơ động ngoài bệnh viện” của tác giả BS.CKII. Nguyễn Đức Vũ, BS.CKII. Nguyễn Khắc Vui (và các cộng sự) của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Điểm mới của giải pháp này, cung cấp một phương tiện giúp bác sĩ cấp cứu tiếp cận nhanh nhất đến hiện trường có người cần cấp cứu trong thành phố có dân cư đông, đường phố chật hẹp. Mô hình này đã ứng dụng trong cấp cứu ngoại viện, đáp ứng yêu cầu cấp cứu trên địa bàn TP.HCM trong tình huống xe cấp cứu 4 bánh không tiếp cận được hiện trường. Mô hình đã triển khai thí điểm tại Bệnh viện Sài Gòn và có khả năng triển khai tại các bệnh viện khác trong hệ thống trung tâm cấp cứu 115.

Đề tài “Thiết bị tập phục hồi chức năng vận động chi dưới cho người bại liệt” của tác giả Ngô Quốc Anh - thiết bị nghiên cứu là một hệ thống khung xương trợ lực hỗ trợ tập phục hồi chức năng và đi lại cho người bại liệt bao gồm phần cứng và phần mềm giúp người bị bại liệt chi dưới tự tập vật lý trị liệu. Điểm mới của đề tài, thiết bị có thể lập trình để mô phỏng nhiều hoạt động chi dưới và có thể làm cho phù hợp với từng bệnh nhân. Thiết bị đã dùng thử và đánh giá tốt trên 100 người. Bên cạnh đó, thiết bị có giá thành phù hợp, các linh kiện có thể tìm được trên thị trường.

Về lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, đề tài “Nghiên cứu phòng thí nghiệm (PTN) trên chip (lab-on-a-chip) với giá thành thấp để thực hiện phản ứng LAMP khuếch đại DNA tại chỗ” của tác giả KS. Nguyễn Hoàng Tuấn (và cộng sự). PTN trên chip chỉ bằng một tấm kính lam kích thước 75 x 25 x 5 mm, nhưng có thể thực hiện được nhiều phản ứng sinh học phân tử cùng một lúc, thời gian thực hiện ngắn 20 - 30 phút, lượng mẫu dùng rất nhỏ, trong một bình phản ứng siêu nhỏ, có khả năng xét nghiệm cùng một lúc 8 mẫu và kiểm tra được đến 12 mầm bệnh trên mỗi mẫu với độ chính xác cao.

Điểm mới của đề tài, lần đầu được đề xuất và thực hiện thành công ở nước ta trên cơ sở sử dụng vật liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Tính sáng tạo, loại trừ được những thao tác thí nghiệm bình thường giúp giảm thiểu sai sót, giảm thời gian trả kết quả.

Nghiên cứu giúp mở ra khả năng tiếp cận và phát triển kỹ thuật công nghệ sinh học hiện đại phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nghiên cứu khoa học ở nước ta và bổ sung cơ sở khoa học cho phát triển và sử dụng cũng như làm chủ được kỹ thuật công nghệ sinh học phân tử - một lĩnh vực công nghệ cao ở nước ta.

Hiện nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện và phát triển PTN trên chip với nhiều buồng phản ứng để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của các bệnh viện, các viện nghiên cứu thuộc ngành y tế hoặc có liên quan.

Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, đề tài “Hoàn thiện thiết kế chế tạo dây chuyền máy vắt bã sắn - sấy bã sắn năng suất 1 tấn/giờ”, của tác giả và đồng tác giả TS. Lâm Trần Vũ và ThS. Đào Vĩnh Hưng. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa ứng dụng hệ thống sản xuất thực tế hệ thống liên hoàn gồm 2 công đoạn: máy vắt bã sắn ướt 90% xuống 60% ẩm và hệ thống sấy sản phẩm đạt độ ẩm 13 - 15%, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Điểm mới của đề tài, là tái chế sử dụng bã sắn phế thải cho chăn nuôi, giảm tác hại gây ô nhiễm môi trường. Máy vắt bã sắn thực hiện công nghệ mới, kết hợp 2 nguyên lý vắt bằng sức căng băng tải và bằng ép trục băng tải lọc. Hệ thống sấy sử dụng năng lượng xanh (biogas). Hệ thống vắt - sấy tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất sản phẩm, đem lại lợi nhuận gấp đôi so với sấy bằng củi.

Dây chuyền máy vắt bã sắn - sấy bã sắn, tạo ra quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất ổn định, đạt năng suất 12 - 14 tấn củ sắn/giờ và sấy đạt 1 tấn/giờ. Tạo sản phẩm tái chế, đem lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp, lãi suất tăng 100%, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do bã sắn để lâu không xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét mới tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 25
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO