Nên thuốc từ cây dứa dại

DS. LÊ KIM PHỤNG| 23/11/2017 14:34

Theo y học cổ truyền, toàn cây dứa dại đều có thể dùng làm thuốc gồm rễ, đọt, hoa, trái, lá…

Cây dứa gai (dứa dại) có tên khoa học là Pandanus tonkinensis, thuộc họ Dứa dại (Pandanaceae). Là loại cây nhỡ, cao 1  -  2 m, thân phân nhánh, mang nhiều rễ phụ. Lá mọc thành chùm ở ngọn cành, hẹp, dài đến 80 cm, rộng 4 cm, đầu có đuôi dài 8 cm, hình máng xối, mép và gân giữa có gai thưa. Cụm hoa ở ngọn hoặc ở nách lá, gồm nhiều hoa nhỏ, lá bắc như lá mà ngắn hơn. Trái to, có cuống dài, gồm khoảng 80 trái hạch có vòi nhụy cong tồn tại. 
Cây dứa dại có nhiều ở Malaysia, châu đại dương mọc hoang ở nhiều nơi, rễ thu hái quanh năm, đem về rửa sạch xắt mỏng phơi khô để dành dùng lâu. Ở nước ta, cây dứa dại có nhiều ở các tỉnh từ Hòa Bình tới Quảng Trị, Quảng Nam  -  Đà Nẵng, Khánh Hòa. 
Dân gian cũng hay trồng làm hàng rào. Có thể thu hái đọt non vào mùa xuân, dùng tươi. Đọt non ăn giống như củ hũ dừa, làm rau ghém hoặc trộn gỏi ăn cũng ngon. 
Những tác dụng nên thuốc của cây dứa dại như sau: 
1. Rễ dứa dại, có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, giải độc, lợi tiểu, cầm máu. Được dùng chữa phù, tiểu gắt, tiểu buốt hoặc tiểu ra máu do sỏi, trĩ lòi dom, mất ngủ, xơ gan cổ trướng, viêm mắt đỏ. Liều dùng mỗi ngày 6 - 16 g sao vàng sắc uống.
- Chữa mất ngủ: rễ dứa dại (sao vàng) 15 g, nhân hạt táo (sao đen) 20 g, lạc tiên 20 g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. 
- Chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng: rễ dứa dại 30 - 40 g, phối hợp với rễ cỏ xước 20 - 30 g, cỏ lưỡi mèo 20 - 30 g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa ngã, bị đánh chấn thương: rễ dứa dại, giã nát đắp vào chỗ bị thương rồi băng cố định lại. 
- Chữa viêm thận, bí tiểu, phù: rễ dứa dại khoảng 30 - 60 g nấu canh thịt rồi ăn 1 - 2 lần sẽ thấy lợi tiểu rõ.
2. Đọt dứa dại, có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, sinh cơ, tán nhiệt độc. Dùng chữa sỏi, ban chẩn, đơn độc, mụn nhọt lở loét, tâm phế nhiệt, tiểu tiện vàng đỏ. Liều dùng: 10 - 
20 g sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp vết thương, còn dùng phối hợp với đinh hương giã đắp chữa đinh râu, lòi dom, bó gãy xương.
- Chữa chân lở loét lâu ngày: dùng đọt dứa dại và đậu tương, hai thứ liều lượng bằng nhau, giã nát, đắp vào chỗ lở loét có tác dụng sát trùng và lành vết loét, nếu các vết loét sâu gây thối xương, dùng đọt dứa dại giã đắp vào vết thương, có tác dụng hút mủ và làm lành vết loét. 
- Theo Lục xuyên bản thảo, để chữa chứng người bồn chồn, chân tay vật vã, phát nóng, người ta dùng đọt non dứa dại 30 g, đậu đỏ nhỏ hạt 
30 g, cỏ bấc đèn 6 g, búp tre 15 cái, sắc nước uống.
- Chữa phù thũng, tiểu buốt, tiểu gắt có sỏi: dùng đọt dứa dại 15 - 
20 g sắc nước uống.
3. Hoa dứa dại, theo y học cổ truyền, hoa có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trừ thấp nhiệt, cầm tiêu chảy do nhiệt độc. Dùng chữa các chứng ho do cảm mạo, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu nhỏ giọt, tiểu tiện bí táo, nhọt mọc ở sau gáy. Mỗi ngày 20 - 30 g sắc nước uống.
4. Trái dứa dại, vị ngọt, tính bình, có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, phá tích trệ, giải độc rượu. Thường dùng chữa thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới, tiểu tiện khó khăn, kiết lỵ, say nắng, mắt mờ. Liều dùng 10 - 15 g, sắc nước, tẩm rượu hoặc tẩm mật uống. 
- Chữa kiết lỵ: lấy trái dứa dại 30 - 60 g sắc nước uống 
- Chữa mắt sinh màng mộng, thị lực giảm dần, nhìn không rõ, lấy trái dứa dại xắt nhỏ, ngâm trong mật ong, ăn dần mỗi ngày.
- Chữa cảm nắng, say nắng: lấy trái dứa dại 10 - 15 g, sắc uống.
- Chữa viêm gan siêu vi: trái dứa dại 12 g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 8 g, nhân trần 12 g, trần bì 8 g, cốt khí củ 12 g, ngũ vị tử 6 g, cam thảo 4 g, sắc với 1.000 ml nước, đun cạn còn 450 ml, chia thành 3 lần uống lúc đói trong ngày.
- Chữa tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu đục: lấy trái dứa dại khô 20 - 30 g, xắt lát mỏng, sắc hoặc hãm nước như nước trà uống cả ngày.
5. Lá non, có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng tán nhiệt độc, lương huyết, cầm máu, sinh cơ; được dùng để chữa các chứng bệnh như sởi, ban chẩn, nhọt độc, chảy máu chân răng.
Chưa có tài liệu nào ghi rõ thành phần hoạt chất của cây dứa dại, chỉ thấy có đường, nhiều chất xơ, polysaccharid.
Cần chú ý, tránh nhầm lẫn cây dứa dại khác với cây dứa thơm, dân gian hay trồng để lấy lá dứa để làm thơm trong các món bánh, chè, cháo, có tên khoa học là Pandanus odorus (họ Pandanaceae), mới đây theo truyền miệng của một nhóm người Việt kiều Mỹ cho rằng lá dứa có tác dụng chữa tiểu đường nhưng thật ra đó chỉ là tình cờ, chưa có công trình nghiên cứu khoa học chứng minh và kiểm chứng, nên cũng không đáng tin cậy. 
Riêng về cây dứa dại thì tác dụng lợi tiểu rất rõ, dân gian sử dụng từ lâu đời, nhưng cũng không nói trị được bệnh tiểu đường, vì vậy cần chú ý khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường.
Cũng cần chú ý là do tác dụng trục thủy mạnh vì vậy không nên dùng cho người gầy, già yếu, suy nhược, người tiểu nhiều, người hay tiêu lỏng, phân nát và phụ nữ có thai. 
 Dân gian có bài vè ca ngợi cây dứa dại như sau:
Dứa dại còn gọi dứa gai, 
Đọt non hay rễ được xài từ lâu.
Nếu cần nướng trước sắc sau, 
Rễ mạnh hơn đọt giống nhau cách dùng.
Trục thủy tiêu thũng nói chung, 
Xơ gan cổ trướng tiểu thông giảm phù.
Đi đái rát trị êm ru, 
Mất ngủ li bì uống ngủ cũng ngon.
Mọc hoang đầy khắp đó đây, 
Khi cần nên kiếm trồng thay hàng rào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên thuốc từ cây dứa dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO