Nên chọn ngành, chọn nghề như thế nào?

NHƯ QUỲNH ghi| 06/06/2020 07:24

KHPTO - Nhóm giảng viên Trường đại học giáo dục vừa ra mắt cuốn cẩm nang “Tư vấn hướng nghiệp” dành cho học sinh khối trung học phổ thông. PGS.TS. Trần Thanh Nam, tác giả cuốn cẩm nang chia sẻ:

“Chúng tôi mong muốn mang lại cho các bạn học sinh, sinh viên một số thông tin cơ bản về công tác hướng nghiệp, những chỉ dẫn cần thiết trong việc lựa chọn nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân, giới thiệu những nguồn tài liệu hữu ích về những ngành nghề đào tạo cũng như nhu cầu của thị trường lao động”. Sau đây là một số câu hỏi và trả lời liên quan đến hướng nghiệp.

Việc lựa chọn nghề có phải là yếu tố quyết định đến sự thành công nghề nghiệp trong tương lai?

- Có rất nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công trong tương lai và hướng nghiệp là một trong những yếu tố đó. Chọn nghề không thể chỉ dựa vào mối quan hệ thân quen, cơ hội việc làm mà còn cả xu thế xã hội. Chính vì vậy, lựa chọn nghề nghiệp là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công như mong muốn trong tương lai.

Học sinh thường mắc phải những sai lầm gì trong việc lựa chọn ngành học?

- Sai lầm của nhiều bạn học sinh hiện nay là thường hướng đến các ngành, hay những trường thấy hay mà không cần biết mình có phù hợp hay không. Tỷ lệ học sinh chọn ngành, chọn trường dựa trên cảm tính và xu hướng đám đông rất nhiều, trong khi các bạn lại ít quan tâm đến nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.

Để có sự lựa chọn ngành chính xác, cần lưu ý điểm gì?

- Có rất nhiều điểm cần lưu ý khi lựa chọn ngành nghề cho mình, song các em cần cân nhắc hai yếu tố chính. Thứ nhất, các em cần lựa chọn ngành xuất phát từ việc chọn trường, chọn nghề dựa vào cá tính, tính cách và giá trị mà mình mong muốn. Vì nghề đi theo mình suốt cuộc đời, nếu không hợp thì mình sẽ không hạnh

phúc khi làm việc và cũng rất khó để thành công. Yếu tố thứ hai, khi lựa chọn trường, hay nghề thì các em cần phải mở rộng diện lựa chọn. Việc đầu tiên là các em nên lựa chọn lĩnh vực chuẩn. Từ lựa chọn lĩnh vực thì mới loại trừ được những lĩnh vực mà chúng ta thực sự không có năng lực hay không hiểu biết về nó. Trên cơ sở lĩnh vực, tiếp đến chúng ta chọn ngành, sau đó chọn nghề và cuối cùng là chọn trường. Khi chọn trường, thì cần phải quan tâm đến các yếu tố như: uy tín của trường, cơ sở vật chất, học phí, và điều kiện học tập tốt xem có phù hợp với mức điểm và năng lực không thì lúc đó ta mới lựa chọn.

Hiện nay có không ít bạn vẫn đang phân vân về việc chọn ngành nghề do chưa có sự tìm hiểu kỹ ngành nghề. Chính vì vậy, các em muốn biết lĩnh vực nghề nghiệp nào đang thu hút nhiều lao động có thể lên trang web tuyển dụng, hay đọc báo phần tuyển dụng, xem xã hội đang cần nhân lực ngành nghề gì, xem nghề đó đòi hỏi phẩm chất kỹ năng gì và mình có đáp ứng được không thì hãy lựa chọn, dựa trên những yếu tố đó sẽ giúp các em có hướng lựa chọn nghề nghiệp đúng nhất.

Em học khối C, liệu có việc làm trong tương lai?

- Thực tế hiện nay cho thấy, các trường tuyển sinh khối C thường đào tạo ít ngành hơn so với những trường tuyển sinh khối A, A1, D... nên thị trường việc làm cũng thu hẹp, ra trường ít với tỷ lệ sinh viên ít hơn, song vì vậy mà cạnh tranh việc làm cũng thấp. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển, bên cạnh các ngành khối liên quan đến kỹ thuật cũng có rất nhiều ngành xã hội cơ hội việc làm cao, chẳng hạn như ngành tâm lý học, ngành sư phạm.

Có nên chọn học ngành nghề theo định hướng của người thân gợi ý?

- Như các em biết, tài năng mới là thước đo quan trọng để đảm bảo cho một công việc ổn định. Chính vì thế nếu được gia đình xin hộ, việc làm đó có bền vững và thăng tiến hay không thì lại phụ thuộc năng lực và đam mê của chính em. Chúng ta nên loại bỏ ngay suy nghĩ ỷ lại vào gia đình, bởi trong việc chọn ngành nghề, bố mẹ không thể là lá chắn che chở suốt đời cho con.

Có thể cho biết em nên chọn ngành nghề như thế nào?

- Điều đầu tiên các em cần quan tâm là hiện có những ngành gì và ngành đó đào tạo nghề gì, có phù hợp với sở thích và đam mê các em mong muốn theo đuổi hay không? Bởi vì những nghề đó sẽ quyết định sự theo đuổi lâu dài của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ định hướng vào trường, nghĩ rằng trường tốp trên, trường danh tiếng là thành công, hay cứ đi du học là dễ xin việc thì đó chỉ là sự ngộ nhận. Vấn đề chính là công việc đó, lĩnh vực đó, chuyên ngành đó có phát huy được tố chất của mình hay không, có đảm bảo được sự đam mê của mình lâu dài hay không?

Có nên chọn nghề theo cảm tính?

- Theo một kết quả nghiên cứu về lựa chọn ngành của học sinh năm thứ nhất trường đại học cho thấy, 65% các em chưa hiểu được ý nghĩa của ngành học mà mình đăng ký, 50,8% không biết học xong ra làm gì và trên 75,6% sinh viên cảm thấy không thỏa mãn với ngành học của mình.

Những sai lầm mà các em thường gặp đó là lựa chọn ngành nghề theo cảm tính. Các em thường chỉ hướng vào ngành nghề mà chúng ta thấy hay, dựa trên đám đông mà ít quan tâm ngành nghề đó có cần nhiều nguồn nhân lực hay không.

Chính vì vậy, để lựa chọn ngành nghề chính xác, các em cần lưu ý, phải xuất phát lựa chọn ngành nghề dựa vào cá tính, tính cách của mình cũng như giá trị mà mình mong muốn. Bởi nghề nghiệp sẽ theo mình suốt cả cuộc đời, nếu không hợp mình sẽ không hạnh phúc khi làm, gắn bó với nó và rất khó có thể thành công.

Yếu tố thứ hai, khi lựa chọn nghề, các em cần mở rộng diện ngành nghề lựa chọn, từ lĩnh vực để làm cơ sở chọn ngành, từ đó dẫn đến chọn chuyên môn và cuối cùng là chọn trường phù hợp, đáp ứng cơ sở vật chất. Ngay cả lĩnh vực hẹp, nếu chúng ta lựa chọn, học tập tốt, có năng lực thật sự thì chúng ta vẫn có cơ hội việc làm rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên chọn ngành, chọn nghề như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO