Nâng cao giá trị sản xuất rau màu ở đồng bằng sông Cửu Long

Bài và ảnh: GIA PHÚ| 20/03/2020 16:51

KHPTO - Tại đồng bằng sông Cửu Long, rau màu và trái cây là hai sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn đứng thứ hai, sau lúa. Thời gian qua, các sản phẩm này không những giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất (SX) nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để ngành hàng này phát triển bền vững, cần sự đầu tư, quy hoạch hợp lý của các địa phương trong vùng.

Nâng cao hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Hè, giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2019, ngành đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), cơ sở SX rau an toàn và mở rộng 18 vùng SX rau được cấp chứng nhận SX an toàn với diện tích 229 ha. Sản lượng dự kiến hàng năm 28.390 tấn, tập trung với nhiều loại rau màu khác nhau. Đến nay, thành phố còn có 10,2 ha được cấp chứng nhận SX theo quy trình VietGAP tại HTX rau an toàn Long Tuyền (quận Bình Thủy), gồm các chủng loại bí, dưa hấu, ớt, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa lê... Ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình SX rau ăn lá thuộc HTX SX rau Phúc Thạnh (phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt) đã thu hút trên 50 hộ tham gia, diện tích canh tác gần 20 ha. Mỗi gia đình có từ 2 - 5 người tham gia trồng rau, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho mỗi thành viên. Xã viên HTX SX rau Phúc Thạnh có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm kết hợp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giúp nông dân tiết giảm chi phí SX, nông sản làm ra hướng đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho nông hộ. Điển hình như hẹ, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán khoảng 15.000 đồng/ kg, trừ chi phí, bà con lợi nhuận khá cao...

Xuất khẩu rau màu sang Campuchia

Anh Nguyễn Văn Minh Hùng, ở ấp Hòa Trung, xã Kiến An, huyện Chợ Mới cho biết, với 5 công đất mỗi năm trồng được 1 vụ hành lá và 3 vụ cải bẹ dún, qua hạch toán chi phí, hành lá lợi nhuận 77 triệu đồng/vụ và cải bẹ dún lợi nhuận 75 triệu đồng/3 vụ. Như vậy, tổng doanh thu 5 công đất trồng màu (1 vụ hành và 3 vụ cải bẹ dún), gia đình lợi nhuận được 152 triệu đồng/năm.

Theo anh Hùng, đối với vùng đất Kiến An, các loại rau màu chiếm hơn 70% diện tích của xã, đây cũng là nơi có đất trồng màu lớn nhất ở Chợ Mới và kể cả toàn tỉnh. Trong 12 ấp thì 5 ấp đã hình thành khu vực chuyên canh. Hoạt động “THT rau màu Kiến An” được xem là khâu đột phá hợp tác ứng dụng công nghệ cao. Với khả năng tiêu thụ 2,5 - 3 tấn/ngày, phương án SX chủ yếu là trồng theo đơn đặt hàng và nhu cầu tiêu thụ thị trường. Thế nhưng, sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng, giá cả luôn ổn định và cao hơn mức giá thương lái mua tại chỗ khoảng 20%.

Chị Ngô Thị Sển, thương lái thu mua rau bán sang Campuchia cho biết: “Hơn 1 năm trở lại đây, người dân Campuchia thích ăn rau của vùng Chợ Mới này trồng lắm, mỗi ngày chiếc xe 5 tấn của tôi đậu trước nhà chờ các xe nhỏ vào tận ruộng, rẫy thu gom đem về chất lên xe lớn để chuyển đến cửa khẩu Khánh Bình (An Phú) sang hàng bán qua Campuchia”. Trung bình một ngày, chị Sển chở rau qua Campuchia bán được 2 chuyến, vào buổi sáng và buổi chiều.

Thông thường, thương lái thu gom rau của Việt Nam đem đến cửa khẩu Khánh Bình hay Tịnh Biên của tỉnh An Giang rồi chờ thương lái Campuchia qua nhận hàng mang về. Chị Sển còn cho biết thêm: Rau bán qua Campuchia sẽ có giá cao hơn 2/3 so với bán trong nước. Chủ yếu các mặt hàng như: dưa leo, đậu bắp, cà chua, hành lá, hẹ,

bắp cải, đậu ve, cải trắng... Mỗi ngày, người dân Campuchia ở các tỉnh khoảng 3 - 4 giờ chiều họ sang cửa khẩu Khánh Bình để thu mua các loại rau màu hàng chục tấn.

Liên kết chưa bền vững

Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vừa qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cây màu là một trong những cây ưu tiên lựa chọn. Vì dễ dàng luân canh với cây lúa mà hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn nhiều lần. Năm 2019, diện tích xuống giống cây rau màu đạt gần 60.000 ha.

Tuy nhiên, vấn đề liên kết SX vẫn còn rất thấp, quy trình SX truyền thống dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được chứng nhận. Phần lớn, nông dân bán cho các thương lái tại địa phương tiêu thụ, chưa có ký kết cam kết bao tiêu đầu ra. Còn đối với những HTX có liên kết SX thì khâu liên kết đầu ra cũng chưa thật sự bền vững.

Ông Võ Thanh Hiếu, phó giám đốc HTX SX và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (huyện Long Hồ) cho biết: “HTX có 37 thành viên, diện tích SX trên 15 ha. Hàng năm, cung ứng trên 3.000 tấn gồm 18 - 20 loại rau ăn lá: ngò rí, húng nhủi, rau muống, cải ngọt, mồng tơi... Hiện nay, có 5 ha diện tích được SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Còn lại SX theo tiêu chuẩn rau an toàn. Nếu khách hàng có nhu cầu thêm về các loại củ, quả khác, chúng tôi cũng liên kết với các HTX khác như: HTX Tân Bình (huyện Bình Tân), HTX Thanh Đức (huyện Long Hồ) để cung ứng kịp thời.

Tại Vĩnh Long, HTX đang phân phối rau sạch cho 3 điểm trường học. Hiện chúng tôi cũng cung cấp cho hệ thống siêu thị VinCom tại đồng bằng sông Cửu Long như: Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang... Mỗi ngày, hệ thống siêu thị này tiêu thụ khoảng 400 - 500 kg rau. Chúng tôi cũng đang làm việc với một đơn vị tại TP.HCM, xâm nhập thị trường này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị sản xuất rau màu ở đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO