Nâng cao chất lượng dạy học toán

Anh Thư| 23/04/2017 12:23

KHPTO - Trong hai ngày 19 và 20/4, Trường đại học sư phạm TP.HCM phối hợp với Trường đại học Grenoble Alpes (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế về Didactic toán lần thứ 6.

Đây là dịp để đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy trao đổi khoa học về lĩnh vực giảng dạy, học tập môn toán; thảo luận về mô hình đào tạo giáo viên và tìm kiếm những giải pháp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Tìm mối quan hệ giữa các môn

Tìm hiểu về số phức trong mối liên hệ liên môn toán - vật lý: phân tích thực hành dạy học của giáo viên toán và vật lý ở bậc THPT, tác giả Nguyễn Thị Nga, Trường  ĐHSP TP.HCM cho rằng: “Khái niệm số phức được đưa vào giảng dạy trong môn toán ở lớp 12, ở đó, chúng tôi không tìm thấy sự hiện diện của mối liên hệ liên môn với vật lý. Tương tự như vậy, trong chương trình vật lý ở bậc phổ thông, số phức không hề xuất hiện. Tuy vậy, việc nghiên cứu các giáo trình vật lý ở bậc đại học lại cho thấy số phức là một thành tố không thể thiếu trong nhiều ngành của vật lý như thủy động lực học, khí động lực học, lý thuyết dao động và cả trong cơ học lượng tử... Cụ thể hơn, nó là công cụ chủ yếu của kỹ thuật tổng hợp hai dao động điều hòa, hai dòng điện xoay chiều (tổng hợp hai dao động điều hòa cùng phương, cùng tần số góc chính là cộng hai số phức tương ứng). Đây lại là những nội dung kiến thức có xuất hiện trong chương trình và sách giáo khoa vật lý ở bậc phổ thông với kỹ thuật chủ yếu là dùng giản đồ vectơ”.

Vậy trong thực hành dạy học của giáo viên vật lý, kỹ thuật số phức có được đưa vào giảng dạy hay không? Trong thực hành dạy học của giáo viên toán, mối liên hệ giữa số phức và dao động điều hòa có được đề cập đến hay không? Nhóm nghiên cứu đã trình bày về sự tương ứng giữa số phức và dao động điều hòa cũng như kỹ thuật sử dụng số phức để giải quyết các bài toán về dao động điều hòa trong sách giáo khoa vật lý và đề thi tốt nghiệp THPT. Tiếp đó, họ ghi nhận khi quan sát thực hành dạy học của giáo viên toán trong bài dạy về số phức và giáo viên vật lý trong bài dạy về dao động điều hòa để trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra ở trên, đồng thời đưa ra những yếu tố giải thích cho những quan sát đó.

Vận dụng toán học vào thực tiễn

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD - ĐT năm 2015, cấu trúc và định hướng nội dung lĩnh vực giáo dục đối với môn toán là góp phần hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, trong đó có năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn. Để các sinh viên sư phạm toán sau khi tốt nghiệp làm tốt công tác dạy học theo hướng này thì nội dung và phương pháp giảng dạy ở các trường đào tạo sinh viên sư phạm toán phải thay đổi như thế nào? Trong nghiên cứu này, giảng viên  Phan Văn Lý, khoa khoa học tự nhiên, Trường đại học Thủ Dầu Một đã thiết kế và phân tích một số tình huống dạy học thông qua nội dung “Ma trận và các phép toán trên ma trận” theo hướng giúp sinh viên kiến tạo tri thức từ những tình huống thực tiễn. Từ đó sinh viên có được khả năng dạy học đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn cho học sinh phổ thông sau này.

Theo giảng viên Đào Thị Hoa, Trường ĐHSP Hà Nội 2, một trong những tri thức sinh viên sư phạm toán cần được trang bị là cách khai thác bài toán và hướng dẫn học sinh thực hiện việc này. Biết cách khai thác bài toán để tìm ra nhiều lời giải cho bài toán đó và sáng tạo ra các bài toán mới là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của mỗi giáo viên. Việc hướng dẫn học sinh khai thác được bài toán sẽ có tác động kép đối với cả giáo viên và học sinh: tạo được niềm vui, hứng thú dạy - học, tạo được niềm tin, niềm đam mê nghiên cứu toán, rèn luyện tư duy linh hoạt, sáng tạo; giúp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, trong thực tế dạy học, khi hướng dẫn học sinh giải một bài tập toán, nhiều giáo viên chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn học sinh tìm ra một lời giải của bài toán, chưa chú ý hướng dẫn học sinh tìm cách khai thác bài tập toán.

Để chuẩn bị cho sinh viên một trong những hành trang vào nghề, tác giả đã trình bày ý nghĩa , các cách khai thác một bài toán nói chung, bao gồm: tìm nhiều lời giải cho bài toán, phát biểu bài toán tương tự, bài toán ngược, phát biểu bài toán đặc biệt, bài toán khái quát. Từ đó vận dụng vào khai thác 3 bài toán cụ thể: tìm ra 10 cách giải từ bài toán 1; phát biểu rất nhiều bài toán đặc biệt, bài toán tương tự và bài toán khái quát từ bài toán 2; sáng tạo được 10 bài toán mới từ bài toán 3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dạy học toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO