Nạn bạo hành trẻ ở trường mầm non

NHƯ HOA| 24/06/2018 21:34

KHPTO - Trong những năm gần dây, nạn bạo hành trẻ ở trường mầm non tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng là vấn đề được xã hội rất quan tâm và lo ngại. Việc tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng chống, giảm nạn bạo hành trẻ ở trường mầm non là rất cần thiết, TS. Trần Thị Phương, khoa giáo dục mầm non, Trường đại học Sài Gòn nêu vấn đề tại hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên mầm non” do Trường đại học Sài Gòn tổ chức ngày 14/6.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành

Nói về nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ, TS. Trần Thị Phương cho rằng có nhiều nguyên nhân, từ phía giáo viên: phẩm chất đạo đức kém, không có tâm trong nghề; không nắm rõ đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ theo từng độ tuổi và từng cá nhân, không biết lắng nghe trẻ, không biết tìm hiểu nguyên nhân, hành vi của trẻ, không chấp nhận sự khác biệt ở trẻ; kỳ vọng nhiều ở trẻ nhưng không đạt được nên giáo viên mầm non bực bội; kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ chưa tốt, làm việc không khoa học, sắp xếp công việc không hợp lý; năng lực giao tiếp kém, đặc biệt là với phụ huynh; kỹ năng kiểm soát cảm xúc kém, kiềm chế và kiên trì kém, giận cá chém thớt; không hiểu biết về pháp luật, về các quy định về ngành giáo dục mầm non, không biết sợ; chưa hiểu hết được hậu quả nạn bạo hành trẻ.

Có một số giáo viên lại hiểu về quan điểm giáo dục: “thương cho roi cho vọt” chưa phù hợp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ phía cán bộ quản lý, từ phía đồng nghiệp, cũng ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên.

Về nguyên nhân từ phía gia đình, do phụ huynh chưa chú ý rèn kỹ năng tự phục vụ của trẻ.

Vào những ngày nghỉ ở nhà, phụ huynh chưa đảm bảo chế độ sinh hoạt cho trẻ như ở trường mầm non. Phụ huynh quá cưng chiều con; có lời nói khiến giáo viên bị tổn thương. Nhiều phụ huynh chưa chú ý đến việc cho trẻ làm quen với món ăn và chế độ sinh hoạt ở trường mầm non trước khi nhập học.

Nguyên nhân từ phía trẻ cũng có, do trẻ biếng ăn tâm lý hoặc biếng ăn sinh lý, dễ làm cho giáo viên cáu gắt, khó chịu.

Ở nhà, trẻ được tự chọn món ăn, trong khi ở trường thì ăn đồng loạt giống nhau, chưa phù hợp với khẩu vị của từng trẻ, trẻ ăn không ngon miệng, không muốn ăn, giáo viên phải ép.

Nhiều trẻ hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, bướng bỉnh không nghe lời gây cho giáo viên cảm xúc tiêu cực.

Từ phía trường mầm non, việc kiểm tra công tác chăm sóc giáo dục trẻ của giáo viên còn lỏng lẻo. Có những trường mầm non tư thục dân lập và nhóm trẻ gia đình tập trung lợi nhuận mà chưa chú ý đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, cơ sở vật chất còn hạn chế...

Trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc cho giáo viên

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, khoa giáo dục mầm non, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, việc quản lý tốt cảm xúc sẽ giúp giáo viên mầm non hạn chế tình trạng ức chế, bực bội, căng thẳng, ngăn ngừa tình huống thiếu kiểm soát trong hành vi, lời nói... dẫn đến các hình thức bạo hành trẻ hoặc gây hấn trong các mối quan hệ khác, như với đồng nghiệp, cấp trên, phụ huynh, gia đình.

Chính vì vậy, quá trình đào tạo giáo viên mầm non cần quan tâm đến việc trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc cho sinh viên.

Một số biện pháp khả thi là: quan tâm đến nội dung quản lý cảm xúc nhiều hơn khi tổ chức giảng dạy môn giáo dục cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, giao tiếp sư phạm mầm non... bổ sung nội dung rèn luyện kỹ thuật quản lý cảm xúc vào chương trình đào tạo hoặc hoạt động ngoại khóa...

Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, việc trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc là cần thiết đối với mọi người, mọi nghề nghiệp khác nhau.

Riêng với nghề giáo viên mầm non, một nghề nghiệp luôn đối diện với vô vàn áp lực có thể phát sinh bất cứ lúc nào khiến con người dễ lâm vào tình trạng thiếu kiểm soát thì việc trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc lại càng trở nên bức thiết hơn.

Không những vậy, ngoài việc giúp giáo viên mầm non điều khiển cảm xúc của mình đúng hướng nhằm tăng hiệu quả công việc, thăng hoa bản thân, kỹ năng quản lý cảm xúc còn góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực từ việc thiếu kiểm soát của giáo viên đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Cấu trúc kỹ năng quản lý cảm xúc bao gồm 4 kỹ năng thành phần sau: cởi mở với mọi cảm xúc; tham gia hoặc tách ra khỏi một cảm xúc nào đó; đánh giá một cảm xúc xảy đến với bản thân hay người khác (biểu hiện, mức độ, tác động...); giảm nhẹ hoặc gia tăng cảm xúc mà không giảm thiểu hoặc cường điệu những thông tin liên quan đến cảm xúc đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn bạo hành trẻ ở trường mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO