Nấm xanh có thể tận diệt ve sầu trên vườn cà phê

Tạ Minh Tuấn| 27/03/2017 12:19

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

Để phòng trừ loài ve sầu bằng giải pháp sinh học trước hết cần phải nắm tập tính của chúng. Ve sầu là loài côn trùng có đời sống rất đặc biệt, chúng gây hại cà phê một cách âm thầm, kiên trì. Thông thường người ta chỉ thấy sau cơn mưa hay vào sáng sớm trong tiết tháng ba. Sau vài ba trận mưa, ve sầu non màu trắng sữa chui lên mặt đất. Sau vài chục phút tiếp xúc với không khí, ve đổi sang màu đen, trở thành ve sầu già (trưởng thành) tối đa trong 1 giờ. Đó cũng là lúc ve sầu cất tiếng kêu gọi bạn tình và đẻ trứng vào các vết nứt trên thân cây cà phê.

Giai đoạn ve trưởng thành sống trên cây rất ngắn, chúng chỉ sống khoảng 10-15 ngày để làm nhiệm vụ bắt cặp, đẻ trứng rồi chết. Trứng nở, ấu trùng non chui xuống đất sống bằng cách cắn biểu bì rễ cây non, chích hút nhựa cây làm thức ăn. Hầu hết cuộc đời ve sầu sống trong đất, ở độ sâu khoảng từ 30 cm đến 2,5m, hơn nữa vòng đời của ve sầu rất dài (từ 2 - 17 năm, tùy loài) nên khả năng phá hoại bộ rễ cà phê rất lớn.

Rễ non của cà phê ngày này qua tháng khác bị ấu trùng ve sầu tấn công gây ra vết sùi, không phát triển được. Cây cà phê bị bệnh thiếu dinh dưỡng trầm kha. Các vết thương do ấu trùng ve sầu tạo ra còn mở ngõ cho tuyến trùng hoặc các nấm bệnh cây tấn công. Vì thế tiêu diệt được ấu trùng ve sầu sẽ là giải pháp quan trọng quản lý sức khỏe vườn cà phê và nâng cao năng suất.

Nấm xanh (Metarhizium anisopliae) sống trong đất và loài nấm này có ký chủ là các loài côn trùng. Nếu mật độ nấm xanh cao, bào tử nấm hiện diện khắp nơi trên vườn, trên lá, thân cây dễ dàng bám dính vào vỏ kitin của côn trùng hoặc côn trùng ăn phải nấm sẽ bám vào thành ruột côn trùng. Sau một khoảng thời gian tiếp cận thân chủ (thường là vài ngày), nấm xanh hoàn toàn có khả năng biến ký chủ của mình thành con mồi và cuối cùng sẽ chết.

Cơ chế tiêu diệt côn trùng bằng nấm xanh diễn ra chậm chạp so với phương pháp dùng hóa chất phun xịt, côn trùng trúng độc mà chết. Nhưng phương pháp sinh học này hiệu quả lại lâu dài, đặc biệt khi đất vườn, ruộng có nấm xanh trú ngụ.

Theo dẫn giải của TS. Nguyễn Xuân Niệm, phó giám đốc Sở khoa học & công nghệ Kiên Giang thì bào tử nấm xanh nảy mầm trong điều kiện môi trường có nguồn carbon và nitơ. Đây là cơ sở cho việc nhân nuôi và duy trì chúng trên cánh đồng, để sẵn sàng tham gia công việc phòng trừ côn trùng. Sau khi bào tử bám vào ký chủ sẽ tạo ra một sợi mầm xâm nhập qua lớp kitin ngoài bằng cơ chế phối hợp giữa các enzyme phân hủy kitin rất khức tạp. Khi tiến đến các phiến kitin trong sợi mầm nấm phình ra để hình thành các phiến xâm nhiễm song song với lớp kitin non Kế đó tiếp tục phát triển ra các thể sợi nấm xâm nhiễm thẳng đứng đâm xuyên qua lớp kitin non để xâm nhập vào bên dưới lớp da và xoang cơ thể côn trùng. Khi các thể sợi nấm phát triển dày đặc bên trong xoang cơ thể và gây ra triệu chứng chết côn trùng. Bằng mắt thường có thể thấy côn trùng bị “mốc” hay khô (hoại tử) một bộ phận nhưng vẫn sống, khi vết mốc lan ra rộng thì côn trùng chết. Cái chết của côn trùng do độc tố của nấm xanh trong ruột và gây ra một số bệnh ở tế bào ruột giữa của côn trùng. Các bệnh này sẽ tạo ra những thay đổi trong ty thể và lưới nội chất, làm thoái hóa nhân tế bào, gây ra các tổn thương ống malpigi, hemocyte.

Theo Nguyễn Quang Ngọc, Phan Võ Ngọc Quyền – Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, xử lý 3 kg chế phẩm nấm xanh/ha sau 30 ngày giảm được 60,07% ấu trùng ve sầu, mật độ bào tử nấm xanh trong đất đạt 6,4 x 105 và năng suất cà phê đạt 3,543 tấn/ha. Nấm xanh có thể ký sinh trên nhiều loài côn trùng gây hại cây trồng trong đó có ve sầu. Nấm xanh thuộc nhóm nấm đất, có khả năng phát triển vào các tầng đất canh tác của nhiều loại cây trồng. Vì vậy ứng dụng nấm xanh để tận diệt ấu trùng ve sầu trong đất là hoàn toàn khả thi và an toàn cho môi trường.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nấm xanh có thể tận diệt ve sầu trên vườn cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO