Năm 2019: Tự chủ đại học - đổi mới và sáng tạo

Anh Thư| 03/01/2019 19:25

KHPTO - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, trước định hướng và yêu cầu phát triển của ngành, Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã lựa chọn chủ đề năm 2019 là “Tự chủ đại học: đổi mới và sáng tạo”.

Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, năm 2019, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện sứ mạng của mình với các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế hoạt động của một số đơn vị thành viên trong hệ thống; tiếp tục hoànthiện mô hình ĐHQG-HCM; tinh gọn bộ máy hoạt động; triển khai tin học hoá quản lý;nâng chất công tác thi đua khen thưởng.

Thứ hai, đổi mới phương thức, phương pháp đào tạo tại ĐHQG-HCM theo hướng đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và kinh tế số; phát triển có hệ thống các chương trình đào tạo chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác đánh giá, kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, triển khai hiệu quả công tác xếp hạng trong khu vực và thế giới. 

Thứ ba, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, các nhóm nghiên cứu mạnh; đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực nghiên cứu; triển khai các đề tài nghiên cứu liên ngành, phục vụ cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thí điểm phát hình thành các doanh nghiệp spin-off, start–up.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước; đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng cơ bản; đẩy mạnh sử dụng và khai thác cơ sở vật chất dùng chung; Đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thứ năm, chủ động gia các mạng lưới hợp tác tiềm năng trong khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác địa phương, nhất là 2 khu vực trọng điểm là TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long.

Vào top những đại học hàng đầu thế giới

Năm 2018, Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã đứng vào Top 701 -750 đại học hàng đầu thế giới với 45 chương trình được đánh giá chính thức theo tiêu chuẩn AUN-QA, 13 chương trình được đánh giá theo chuẩn quốc tế (ABET, CTI, FIBAA, ACBSP, AMBA, IACBE), 5 trường đại học thành viên (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học khoa học tự nhiên, Trường đại học quốc tế, Trường đại học kinh tế - luật và Trường đại học công nghệ thông tin) đạt chuẩn kiểm định theo chuẩn của Bộ giáo dục và đào tạo. Riêng Trường đại học bách khoa đạt cùng lúc 2 chuẩn kiểm định uy tín quốc tế là HCÉRES và AUN-QA; Trường ĐH quốc tế được đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QAvà tham gia kiểm định 3 chương trình theo chuẩn ABET.

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, năm 2018, ĐHQG-HCM đã cung cấp cho xã hội gần10 ngàn sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy, hơn 600 kỹ sư, cử nhân chương trình tài năng, chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), chương trình tiên tiến, hơn 1200 thạc sĩ và 100tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Với sứ mệnh trở thành một trong những đại học hàng đầu châu Á, ĐHQG-HCM ý thức rõ về trách nhiệm tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chủ động hội nhập quốc tế, từng bước tiệm cận với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Mỗi năm, ĐHQG-HCM lựa chọn 1 chủ đề, tập trung nguồn lực, trí tuệ để thúc đẩy các hoạt động trọng tâm lên một tầm cao mới. Năm 2018, với chủ đề năm là khoa học công nghệ -nâng tầm hội nhập, ĐHQG-HCM đã tập hợp những nhà khoa học đầu ngành, đẩy mạnh các hoạt động, đem đến cho lĩnh vực này nhiều khởi sắc. ĐHQG-HCM đã triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm xuất sắc – Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), số lượng bài báo thuộc các tạp chí quốc tế uy tín SCI, SCIE đều tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm, các công trình công bố có chỉ số ảnh hưởng cao. Tính đến 11/2018, ĐHQG-HCM đã công bố gần 2000 bài báo, báo cáo hội nghị trên tất cả các lĩnh vực. Riêng số bài báo công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước là gần 1000, trong đó có hơn một nửa số bài được đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong năm vừa qua, hai tạp chí khoa học thuộc lĩnh vực tế bào gốc là Progress in Biology và Asian Journal of Health Sciences được thêm vào danh sách của Scopus. Hiện ĐHQG-HCM cũng đang hoàn thiện quy trình đăng ký 2 sáng chế tại Mỹ (của Trường đại học bách khoa và Trường đại học khoa học tự nhiên). ĐHQG-HCM trở thành là 1 trong 3 trung tâm về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM tiếp tục đổi mới quản trị đại học, sáp nhập các đơn vị để tinh gọn bộ máy tổ chức (sáp nhập Trung tâm khảo thí tiếng Anh được vào Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo; Trung tâm đại học Pháp vào Viện đào tạo quốc tế). Công tác bổ nhiệm lãnh đạo các trường, viện thành viên và một số đơn vị trực thuộc được hoàn tất, tạo ra sự tin tưởng, ổn định trong toàn hệ thống.

Sự năng động, sáng tạo và tiên phong của ĐHQG-HCM được thể hiện qua việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Một số ngành học mới được mở với sự phối hợp, liên kết giữa các đơn vị thành viên, khai thác và phát huy sức mạnh hệ thống. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM đã áp dụng những mô hình mới nhằm gắn kết đào tạo với công tác NCKH và doanh nghiệp.

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu những điểm sáng khi nhiều thầy cô giáo của ĐHQG-HCM nhận được những giải thưởng, danh hiệu học thuật cao quý của Việt Nam và quốc tế, trong đó có thầy cô được Tạp chí Asian Scientist vinh danh trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á; trở thành người Việt Nam đầu tiên và là thành viên duy nhất ở châu Á được phong tặng viện sĩ Viện hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp; một số thầy cô được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; giải thưởng Khoa học và công nghệ Thanh niên Quả Cầu vàng, giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal - UNESCO… Nhờ đó, vị thế ĐHQG-HCM trên bản đồ giáo dục đại học thế giới ngày càng được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2019: Tự chủ đại học - đổi mới và sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO