Mùa xuân vang khúc dân ca

KIM SA| 05/02/2020 12:25

KHPTO - Không đi lễ đền, chùa như ở miền xuôi, tháng giêng ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trên khắp các triền núi, ngả đường đều vang những khúc hát dân ca, những hội hát dân ca dân tộc thiểu số đã tạo ra một không gian văn hóa tràn ngập bản sắc được lưu truyền từ xưa đến nay.

Đậm đà bản sắc

Trong tiết trời mưa xuân lất phất, những chàng trai, cô gái người Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí... cứ say mê nắn nót nhả từng câu đối đáp giao duyên không nhạc đệm trên sân khấu, trong nhà dân, trên các lối mòn và thậm chí là hát qua điện thoại cho bạn bè ở khắp nơi nghe. Phía dưới đông đảo khán giả kéo nhau đến xem hát. Kỳ lạ thay, ở vùng đất này dường như toàn thể nam, nữ, lão, ấu ai nấy đều đam mê hát dân ca. Được chứng kiến những cuộc hát miên man tới thâu canh, rạng ngày như vậy mới thấy được sức hút, sự quyến rũ của dân ca trong đời sống đồng bào.

Để giải cơn khát sân chơi và quy tụ được tất cả các câu lạc bộ, từ nhiều năm nay, Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Lục Ngạn đã tổ chức các giao lưu hát luân phiên giữa các xã vào mùa xuân.

Năm nay, hội hát đến lượt xã Tân Sơn đăng cai, ngay từ sáng sớm từ các ngả núi, đồng bào thuộc các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn… thậm chí từ Đồng Mỏ, Chi Lăng (Lạng Sơn) lại rủ nhau xuống núi dự hội hát tại chợ phiên Thác Lười (mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào ngày 12 tháng giêng). Họ mang trên mình những bộ trang phục chàm xanh, đen mới nhất, đeo tay nải và đi thành đoàn khá nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Cao Cường, 65 tuổi, chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu xã Quý Sơn, cho biết: Xưa kia, những ngày xuân hay dịp nông nhàn, nam nữ thanh niên có thể dắt nhau đi chơi hàng tuần mà không bị gia đình ngăn cản. Vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát giao duyên, qua những canh hát kéo dài, nếu hai người thấy “kết nhau” thì dắt tay nhau đi chơi. Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên cả các ngả đường đi về bản, rồi từng đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ trò chuyện tâm tình, nhiều đôi đã nên vợ thành chồng sau những cuộc hát ấy…

Khi còn trẻ, ông Cường từng tham dự nhiều cuộc hát trong vùng, giọng hát ấy đã làm mê đắm và xao xuyến biết bao sơn nữ xinh đẹp. Trẻ em được cha mẹ, ông bà dạy hát, cũng từ câu hát mà bao lứa đôi bén duyên nên vợ chồng. Bố mẹ ông Cường cũng quen nhau và kết hôn qua những cuộc hát như thế!

Các làn điệu dân ca ở đây đa số là hát giao duyên, trong đó nam nữ phải đối đáp theo các bước: làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn và hẹn hò. Huyện Lục Ngạn có 7 dân tộc thiểu số (chiếm 49% dân số toàn huyện), thật khó tìm nơi đâu có đông đảo người dân tộc thiểu số đam mê hát dân ca dân tộc mình đến vậy. UBND huyện Lục Ngạn đã có chính sách hỗ trợ kinh phí, chuyên môn cho các câu lạc bộ hát dân ca thành lập mới. Đến nay toàn huyện có 26 câu lạc bộ hát dân ca. Họ say sưa đi từ Thác Lười (Tân Sơn) đến Phong Vân, Tân Hoa, Biển Động, xuôi về Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng (Lạng Sơn)… cho đến hết xuân.

Hát tìm bạn tình

Mùa xuân là mùa của tình yêu đôi lứa và mùa hát của đồng bào các dân tộc Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu... ở Lục Ngạn. Mỗi mùa hát về lại có biết bao cặp nam nữ nên duyên đôi lứa. Hết hội vùng này lại tới hội vùng kia, bạn hát lần lượt mời nhau về dự hội của địa phương mình.

Ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, anh Vi Văn Sắt 50 tuổi là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy dân ca soong hao. Hơn 30 năm trước, khi còn là bộ đội đóng quân ở tỉnh Lạng Sơn, dù đang là người lính nhưng câu soong hao gọi bạn mỗi độ xuân về đã làm náo nức trái tim chàng trai người Nùng.

Ngày nghỉ đúng vào dịp chợ phiên, anh lính trẻ hào hoa ấy lại hòa vào dòng người, chung vui câu hát tìm bạn ngày xuân. Ba năm quân ngũ và cũng bằng ấy năm dự các mùa hội hát, Vi Văn Sắt đã đưa được cô sơn nữ xứ Lạng đẹp người, đẹp nết về làm dâu vùng Lục Ngạn.

Kể lại chuyện cũ, anh bảo: “Giờ chúng tôi đã có bốn mặt con. Dâu rể và các cháu nội ngoại giờ cũng đầy đủ cả, nhưng mỗi khi cất lên câu hát soong hao ở chợ phiên hay ngày hội, lòng tôi chợt dâng lên một niềm cảm xúc khó tả, nó gợi nhớ về thời trai trẻ chỉ biết yêu và hát”.

Vừa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa, ông Nguyễn Văn An, trưởng ban liên lạc các câu lạc bộ hát dân ca của huyện khẳng định: “Nhiều người trong câu lạc bộ chúng tôi phải trả cước điện thoại tới 700.000 đồng/tháng để hát giao lưu với bà con Sán Dìu ở các tỉnh khác qua điện thoại, tốn kém là thế nhưng một khi đã kết bạn với nhau thì không tiếc gì.

Người Sán Dìu sinh sống ở nhiều nơi trong nước, tuy nhiên không phải lúc nào mọi người cũng có điều kiện gặp gỡ và hát cho nhau nghe nên cứ vài hôm, thấy nhớ nhau thì gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và hát giao lưu vài giờ đồng hồ với các câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu tại Cao Lộc, Lộc Bình (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh)…”.

Cũng “say” điệu hát Sán Chí, ông Lâm Minh Sập, chủ nhiệm câu lạc bộ hát dân ca xã Kiên Lao tâm sự rằng: Hơn 20 năm trước, người Sán Chí ở Lục Ngạn di cư vào Đắk Lắk làm kinh tế, hiện có hơn 300 người dân tộc này quê Bắc Giang sinh sống ở đó. Mong ước được nghe những câu hát mà tổ tiên sáng tác luôn thường trực trong những người xa quê.

Vài năm trước, thông qua Ban liên lạc các câu lạc bộ hát dân ca huyện, ông Sập đã kết nối với bà con trong Tây Nguyên. Tuy nhiên, do cách xa về địa lý, không thể gặp thường xuyên nên họ dùng điện thoại hát cho nhau nghe. Những đêm trăng, mọi người tập trung tại nhà ông chủ nhiệm câu lạc bộ, điện thoại của ai cũng nóng ran bởi những cuộc hát kéo dài tới cả giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi băn khoăn về việc cước điện thoại, ông Sập bảo: “Giá trị tinh thần còn lớn hơn rất nhiều, anh em trong câu lạc bộ thường chờ những dịp nhà mạng khuyến mãi sẽ nạp tiền nên cũng tiết kiệm được phần nào”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân vang khúc dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO