Mùa quết cốm dẹp ở Trà Vinh

PHƯƠNG NGHI| 26/10/2017 10:03

KHPT - Chúng tôi về ấp Ba So (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang - Trà Vinh) vào dịp đồng bào dân tộc Khmer vào mùa làm cốm dẹp (từ tháng 9 - 10 âm lịch). Âm thanh tiếng chày quết (giã) cốm dẹp vang lên “cắc - cụp, cùm - cum” hòa cùng tiếng cười nói các “người thợ” vang lên bên bếp lửa hồng gần như quanh đêm, suốt sáng...

Ba So là địa phương quết cốm dẹp nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, hiện có khoảng gần 150 hộ chuyên sống bằng nghề này, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 2.000 kg cốm dẹp. Theo anh Trần Hoàng Hiệp, phó chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết, nếp nguyên liệu chọn làm cốm dẹp phải là nếp đầu mùa vừa chín tới, nhưng vẫn còn hơi “non hái” để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp. Nếp sau khi thu hoạch được phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô, sau đó được cho vào nồi đất rang cho đến khi vỏ trấu cháy sém, bốc lên mùi thơm nhè nhẹ thì được chuyển qua cối để quết... “Nghề này tuy cực, thu nhập lại không cao bằng một số nghề khác nhưng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có mức thu nhập ổn định khoảng 150.000 - 180.000 đồng/ngày/người” - anh Hiệp nói.

Chị Trương Thị Di, ấp Ba So (xã Nhị Trường - Cầu Ngang), có thâm niên làm cốm dẹp trên 20 năm vui vẻ cho biết: “Nếu ngày thường, gia đình với 2 nhân công làm khoảng 3 giạ (20 kg/giạ) nếp/ngày, một giạ cho 13 - 15 kg cốm, bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, vào dịp Lễ hội Óoc - Oom - Bóc làm trên 5 giạ/ngày vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán cũng cao hơn ngày thường từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Muốn cho cốm dẹp ngon thì lúa nếp rang với lửa nhỏ vừa, đến khi có hạt nếp nổ là nếp vừa chín tới, phải đem đi quết ngay. Làm như vậy, mới đảm bảo cốm quết xong sẽ đạt được vị dẻo, thơm, ngon; hạt cốm bảo quản được lâu và không bị mốc bám”.

Còn vợ chồng anh Thạch Chánh (vợ là chị Danh Thị Mỹ Hồng) ở ấp Ba So quết cốm gia công cho cơ sở sản xuất cốm dẹp của anh Thạch Dung (ấp Ba So) hơn 1 tháng nay, cứ bắt đầu 2 giờ sáng là vợ chồng chị cùng với 2 người khác đến cơ sở để quết cốm dẹp thuê (4 người nhận một lò rang, quết nếp), đến khoảng 8 giờ là nghỉ trưa, chiều từ 14 giờ quết đến 18 giờ, bình quân ngày làm hơn 100 kg nếp, thu được 70 kg cốm nên thu nhập cũng được trên 180.000 đồng/người/ngày.

Ông Bùi Văn Cuôi, chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu làm cốm dẹp của địa phương rất dồi dào với trên 40 hộ trồng lúa nếp, với diện tích khoảng 15 ha, đủ phục vụ nguyên liệu sản xuất cốm dẹp cho các hộ Khmer làm nghề cốm của ấp Ba So, bà con làm cốm cũng đã được vận động tham gia tổ hợp tác và hiện cũng đang làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu “Cốm dẹp Ba So”. “Để làng cốm dẹp Ba So phát triển bền vững, Nhị Trường đang kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng làng nghề, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người làm cốm, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer tỉnh nhà trong thời gian tới” - ông Cuôi chia sẻ.

Từ chỗ là phẩm vật dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của người Khmer (trong Lễ hội Óoc - Oom - Bóc), theo dòng thời gian, cốm dẹp hiện được xem là loại đặc sản ở Trà Vinh, với hương vị rất riêng, được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước biết đến. Cốm dẹp nếp Trà Vinh còn là món ngon để giới thiệu, tiếp đãi bạn bè, biếu tặng người thân khi về sông nước miền Tây thân yêu.

DSCN4677

Tờ mờ sáng, làng nghề cốm dẹp Ba So nhộn nhịp hẳn lên với tiếng tí tách rang hạt lúa nếp rất thơm pha lẫn với những tiếng nói, tiếng cười tạo không khí làng cốm dẹp thêm rộn ràng

DSCN4688

Công đoạn sau cùng của quết cốm dẹp, của chị Danh Thị Mỹ Hồng (vợ anh Thạch Chánh ở ấp Ba So) dùng nia sảy cho hết trấu rồi đem sàng để có được loại cốm ngon nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa quết cốm dẹp ở Trà Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO