Một số bệnh thường gặp trên cá nuôi nước ngọt

PHÚC TẦN| 07/07/2019 08:33

KHPTO - Theo các chuyên gia thủy sản Việt Nam, nuôi cá nước ngọt thường gặp phải một số bệnh rất khó phát hiện và xử lý, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, cá thường mắc một số bệnh như: đốm đỏ, bệnh đường ruột, bệnh nấm thủy mi, bệnh trùng mỏ neo…

Bệnh nấm thủy mi

Bệnh xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt, phát triển thuận lợi trong các ao nuôi nước tù, hàm lượng chất hữu cơ cao. Trên da xuất hiện các búi trắng như bông, bơi lội bất thường, thích cọ xát vào các vật thể trong nước làm tróc vảy trầy da. Ngoài ra, có thể ký sinh làm ung trứng cá. Trị bệnh bằng cách tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi, nuôi cá với mật độ thích hợp, tránh tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị tổn thương; duy trì và ổn định nhiệt độ trong ao, duy trì mực nước ao 1,5 m, phủ bèo tây 2/3 mặt ao, dùng một số hóa chất để trị bệnh nấm thủy mi như: methylen 2 - 3 g/m3, KMnO4 1 - 2 g/m3 tạt xuống ao, lặp lại 2 lần trong 1 tuần hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.

Bệnh Streptococcus

Cá bệnh, màu sắc chuyển dần sang đen tối, bơi xoắn, không định hướng, mắt cá lồi, xuất huyết ở các vây và xương nắp mang. Trị bệnh bằng cách duy trì mức nước tối thiểu 1,2 m trong ao nuôi; tăng cường thay nước, quạt nước về đêm và sáng sớm nhằm cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan cho cá. Định kỳ bổ sung vitamin tổng hợp vào thức ăn liên tục trong 7 ngày; khử trùng nước bằng viên sủi Vicato 20 - 30 ngày/lần. Dùng phương pháp trộn kháng sinh (Erythromycin, Ciprofloxacin, Enrofloxacin) vào thức ăn với liều lượng 25 - 50 mg/1 kg cá/ngày, cho ăn 4 - 7 ngày. Sử dụng thảo dược TD3, vitamin tổng hợp trộn vào thức ăn hàng ngày cho cá nhằm tăng sức đề kháng và hạn chế tác nhân vi khuẩn lây lan.

Bệnh trùng mỏ neo

Cá bệnh bơi không bình thường, kém ăn, dị hình. Trên mình cá có các vết nhỏ màu đỏ, một số ký sinh trong miệng làm miệng cá sưng lên và không đóng kín được. Trị bệnh bằng các biện pháp tổng hợp như: dùng lá xoan bón lót xuống ao với lượng 0,2 - 0,3 kg/m3 nước để diệt ấu trùng của trùng mỏ neo có trong ao; thay toàn bộ nước trong ao và khử trùng nước; dùng lá xoan 0,4 - 0,5 kg/m3 nước bón vào ao nuôi cá bị bệnh có thể tiêu diệt được ký sinh trùng Lernaea. Theo dõi cấp nước kịp thời khi cần thiết; tắm cá (1 - 2 giờ) trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 10 - 12 g/m3.

Hội chứng lở loét

Khi cá bệnh hay bỏ ăn, hoạt động chậm chạp, trên thân lở loét có màu xám là nơi nấm phát triển. Phòng trị bệnh bằng cách tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi, trong quá trình nuôi, định kỳ 2 tuần/lần rải đều vôi khắp mặt ao với liều lượng 2 kg/100 m3 nước. Trước khi thả cá giống cần tắm NaCl 2 - 3% trong 5 - 15 phút để tẩy trùng tác nhân bên ngoài; tránh các tác động cơ học làm tổn thương đến cơ thể cá.

Bệnh nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Aeromonas

Cá bệnh bị sẫm màu từng vùng ở bụng, xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể, hoại tử đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng, vảy dễ rơi rụng, mắt lồi, mờ đục. Phòng, trị bệnh bằng cách dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cá, liều dùng 0,4 g/100 lít nước, xử lý lặp lại sau 3 ngày; định kỳ tắm cá 1 tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng/lần, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cá. Dùng một trong các loại thuốc: Oxytetracyclin 55 - 77 mg/kg thể trọng cá, Enrofloxacin 20 mg/kg thể trọng cá, Streptomycin 50 - 75 mg/kg thể trọng cá, Kanamycin 50 mg/kg thể trọng cá trộn vào thức ăn và cho ăn 7 - 10 ngày.

Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn

Cá bệnh xuất hiện các đốm đỏ lở loét trên thân, vảy rụng, cá mất nhớt, khô ráp, vây xuất huyết, rách nát cụt dần, xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, xung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng. Trị bệnh bằng cách dùng vaccin; giảm mật độ nuôi; cung cấp nguồn nước tốt; tắm KMnO4 liều dùng là 0,4 g/100 lít nước; có thể dùng các loại kháng sinh (đã hướng dẫn đối với bệnh nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas) để điều trị bệnh. Hoặc dùng thuốc tiên đắc 100 g/50 kg cá/ngày và cung cấp thêm vitamin C.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số bệnh thường gặp trên cá nuôi nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO