Một số bệnh liên quan đến thiếu iod

BS. LÊ VĂN KHÁNH| 23/10/2018 05:58

KHPTO - Thiếu iod dẫn đến thiếu hormon giáp và ảnh hưởng tới nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là “các rối loạn do thiếu iod”. Thuật ngữ “Các rối loạn thiếu iod” mô tả đầy đủ hơn tác hại do thiếu iod như: các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, giảm sự phát triển hệ thần kinh của bào thai, trẻ nhỏ.

Bệnh bướu cổ do thiếu iod

Bệnh bướu cổ do thiếu iod còn được gọi tên là bướu giáp đơn thuần, bướu giáp lành tính, bướu giáp không nhiễm độc, hoặc là bướu giáp dịch tễ, bướu giáp địa phương.... Bướu giáp đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra, một số bệnh nhân có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, thường được người khác phát hiện, hoặc đi khám sức khỏe.

Một số bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp: mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ; vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường di động theo nhịp nuốt; cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt... Bởi vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Cách nhận biết bệnh bướu cổ có thể phân theo các triệu chứng từ bướu giáp to ra, các triệu chứng do bướu chèn ép vào các tổ chức lân cận và các biểu hiện nhược giáp như đã nói trên kèm thêm các triệu chứng cận lâm sàng có liên quan; chẩn đoán thường không khó; điều trị nội - ngoại khoa tùy tiến triển của bướu.

Các triệu chứng lâm sàng: bướu nằm ở vùng trước và hai bên cổ, di động theo nhịp nuốt, hình thái có thể là thể nhân, hỗn hợp hay lan tỏa.

Biến chứng

- Những biến chứng ở bản thân bướu giáp: chảy máu trong bướu giáp (thường ở các bướu thể nang); viêm bướu giáp, có thể dẫn tới áp xe bướu giáp; Basedow hóa; ung thư hóa.

- Những biến chứng do bướu to ra gây chèn ép: bướu càng phát triển to thì càng gây chèn ép nhiều các cơ quan xung quanh, có thể thấy các hiện tượng chèn ép khí quản, thực quản, các dây thần kinh vùng cổ, bó mạch cảnh...

Điều trị

- Điều trị nội khoa: có thể dùng các thuốc như thyreoidin hoặc triiod thyronin. Các thuốc này có tác dụng ức chế tiết TSH của vùng tiền yên, nhờ đó có thể làm bướu giáp nhỏ lại. Tuy nhiên, tác dụng đó chỉ có thể có được khi bướu giáp mới xuất hiện, nếu để muộn, nhu mô giáp đã có những biến đổi tổ chức nặng thì các thuốc trên ít có kết quả.

- Điều trị ngoại khoa: phải căn cứ vào nhiều yếu tố:

+ Theo hình thái bướu: bướu thể nhân và thể hỗn hợp: có chỉ định mổ sớm vì điều trị nội khoa ít có kết quả, bướu không ngừng phát triển và gây nên các biến chứng. Bướu thể lan tỏa: chỉ mổ khi bướu quá to gây chèn ép hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.

+ Theo các biến chứng của bướu giáp: khi bướu giáp đã gây nên các biến chứng như chảy máu trong nang bướu, Basedow hóa, ung thư hóa, chèn ép các cơ quan xung quanh... thì phải chỉ định mổ sớm. Khi bị viêm bướu giáp và áp xe hóa thì phải điều trị kháng sinh tích cực và chích áp xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số bệnh liên quan đến thiếu iod
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO