Một hướng đi đột phá trong giáo dục phổ thông cho học sinh điếc

N.Hoa| 12/08/2017 21:41

KHPTO - Theo thầy Đặng Lộc Thọ, Trường cao đẳng sư phạm trung ương, mô hình giáo dục phổ thông cho học sinh (HS) điếc tại đây sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cá nhân HS điếc, giảm nguy cơ xã hội, thúc đẩy phát triển giáo dục khuyết tật. Đây là một hướng đi đột phá, góp phần tháo gỡ những tồn tại trong giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật (TKT) nói chung và trẻ điếc nói riêng.

Những điểm mạnh của học sinh điếc

Nhiều nghiên cứu sâu về HS điếc cho thấy: có khả năng phát triển nhận thức giống như HS nghe đồng lứa khác nên có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề dựa trên tình huống các em chủ yếu là tư duy trực quan (là những người có trí thông minh thực tế); rất ham thích học hỏi, đặc biệt trong các hoạt động mới lạ như hoạt động sử dụng phương tiện hỗ trợ trực quan, phương tiện điện tử.

Ở HS điếc, thị giác đảm nhận những chức năng thay thế cho thính giác, khả năng tri giác bằng thị giác và xúc giác là khả năng phát triển vượt trội thường thấy ở trẻ điếc nên HS điếc dễ dàng phát hiện những đặc điểm nổi bật của sự vật, hiện tượng, hành động nhờ khả năng quan sát tốt. Đây là một đặc điểm cơ bản mà GV cần đặc biệt chú ý để dạy HS điếc thông qua quan sát, bắt chước và thực hành.

Không nghe nói được hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của HS điếc. Các em có thể đạt được mức độ phát triển kĩ năng vận động như ở tất cả các HS khác. Quan sát thị giác tốt giúp các em khéo léo trong kĩ năng vận động, các em thường thể hiện một số khả năng nổi trội như vẽ, múa, trang trí. . . Do đó, cần đưa các hoạt động này vào sinh hoạt và học tập của HS điếc nhằm tăng cường khả năng giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, HS điếc không nghe được dẫn đến khả năng tư duy bị hạn chế, việc tiếp nhận thông tin chủ yếu bằng thị giác nên gặp khó khăn để hiểu các khái niệm trừu tượng. Các em hiểu các khái niệm chỉ gắn với sự vật, hiện tượng, sự kiện cụ thể và gặp nhiều khó khăn khi tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa. Để hiểu được thông tin trong quá trình học tập hoặc giao tiếp, HS điếc cần tập trung chú ý cao độ, vừa phải quan sát vừa phải phán đoán nên thường khó duy trì khả năng tập trung chú ý trong khoảng thời gian dài.

Không nghe nói được làm mất đi ở HS điếc rất nhiều cơ hội học ngẫu nhiên thông qua các cuộc giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống. Điều này dẫn đến nhiều khi các em không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ các quy tắc, mối quan hệ xã hội nên đôi khi các em có phản ứng không phù hợp hoặc có ngưỡng ức chế thấp hoặc tỏ ra quá nhạy cảm, dễ xung đột.

Sự hạn chế về ngôn ngữ gây ra những hạn chế về khả năng đọc hiểu. Đối với HS điếc, sự không giống nhau trong cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ kí hiệu (NNKH) và tiếng Việt nên hạn chế khả năng đọc hiểu - đây là một khó khăn chính của HS điếc. Trẻ điếc nếu được tiếp cận NNKH sớm sẽ thuận lợi trong việc học tiếng Việt (đọc và viết) sau này.

Cho đến nay, hạn chế trong giáo dục phổ thông cho HS điếc là chưa có sự kết nối hệ thống giữa các cấp học, chưa xây dựng được đội ngũ GV có ngôn ngữ kí hiệu ở tất cả các bộ môn; chưa có nghiên cứu sâu về mô hình dành cho người điếc, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu học tập cao hơn (cao đẳng, đại học); chưa giải quyết được tốt nhất quyền học tập, quyền sống, làm việc của mọi người điếc và xây dựng mô hình học tập hoà nhập cộng đồng.

Xây dựng mô hình giáo dục phổ thông cho học sinh điếc

Mục tiêu xây dựng mô hình giáo dục phổ thông cho HS điếc (từ TH đến THPT) tại Trường cao đẳng sư phạm trung ương (CĐSPTƯ) là tạo dựng một mô hình tổ chức các lớp dạy phổ thông cho HS điếc để có thể nhân rộng mô hình tại các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, các cơ sở giáo dục trong cả nước; nghiên cứu ứng dụng hệ thống NNKH trong giao tiếp, học tiếng Việt; nghiên cứu phương tiện thiết bị dạy học để thực hiện nhiệm vụ dạy học cho HS điếc ở Việt Nam; trở thành cơ sở nguồn của Bộ GDĐT trong hỗ trợ mạng lưới các cơ sở giáo dục HS điếc về ứng dụng chương trình, phương pháp dạy học và cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ thông dành cho đối tượng HS điếc tại Việt Nam.

Chương trình tiểu học (TH) được thực hiện theo chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; trung học theo chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ GDĐT ban hành. Do HS điếc gặp khó khăn về NNKH và tiếp thu khái niệm trừu tượng, nên sẽ tổ chức học phụ đạo thêm cho các em với số tiết tăng thêm từ 0,3 đến 0,7/tổng số tiết theo quy định từng môn học của chương trình. Ngoài ra, để phát huy mặt mạnh của HS điếc, nhà trường tổ chức các môn học tiếng anh, tin học, giáo dục thẩm mĩ (múa, mĩ thuật)... và thực hiện định hướng nghề nghiệp.

 Việc giáo dục HS điếc tại trường CĐSPTƯ từ năm học 2013-2014 đến năm học 2015 – 2016 đã đạt một số kết quả: quy mô giáo dục ngày càng được mở rộng; hệ thống văn bản pháp lý nền tảng đã được ban hành; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được duy trì và phát triển; công tác quản lí giáo dục HS điếc ngày càng hiệu quả và kết quả đào tạo khả quan. Trung bình trong 3 năm qua, kết quả đạt được là: trên 40% đạt danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến (trong đó trên 5% đạt danh hiệu HS giỏi), có 99% HS xếp hạnh kiểm tốt và khá (không có hạnh kiểm yếu); xếp loại thi đua tập thể lớp không có tập thể yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một hướng đi đột phá trong giáo dục phổ thông cho học sinh điếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO