Món ăn - Thức uống để ổn định huyết áp

21/12/2006 00:24

Bệnh tăng huyết áp liên quan chặt chẽ đến việc ăn uống. Khoa học đã chứng minh, một số thức ăn thường ngày có tác dụng làm hạ huyết áp, bài viết này liệt kê ra để giúp người bệnh thực hiện chế biến món ăn phù hợp.

Cá: Cá là một trong những thức ăn động vật tốt nhất của người bệnh tăng huyết áp, ăn cá phòng trị bệnh tim mạch đã được khoa học chứng minh. Cá chứa nhiều acid nucleic, cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và chất khoáng, đặc biệt là nguyên tố calci, kẽm, iod, sắt, mangan… giúp duy trì huyết áp ở trạng thái bình thường.

Hàu (mẫu lệ): Có vị mặn, chát, tính hơi hàn. Các nhà y học hiện đại Trung Quốc nghiên cứu cho thấy, thịt hàu chứa nhiều nguyên tố kẽm, mỗi 100 g hàu tươi chứa 9,39 mg kẽm. Ăn thịt hàu giúp phòng trị bệnh tăng huyết áp.

Tôm khô: Tôm khô giàu chất dinh dưỡng, vị ngọt tươi, tính ấm, là vật phẩm quý giá dùng bổ thận tráng dương. Hàm lượng calci trong tôm rất cao, mỗi 100 g tôm khô chứa 991 mg calci, không có thức ăn nào để so sánh được. Do vậy, thường ăn tôm khô, giúp bổ sung calci, phòng ngừa tăng huyết áp.

Tỏi: Vị cay, tính ấm. Tỏi chứa allycin và selen, cùng giúp hạ huyết áp. Các chất chính trong tỏi là tinh dầu với các sulfur và polysulfur de vinyle, là thành phần tạo ra mùi tỏi, giúp làm giảm chất béo trong huyết thanh và trong gan. Selen ngăn tiểu cầu tích tụ và phòng ngừa máu đông, trợ giúp cho huyết áp bình thường. Cho nên, các chuyên gia y học kiến nghị, người bệnh tăng huyết áp vào mỗi sáng, lúc bụng đói ăn 1 - 2 tép tỏi ngâm giấm đường giúp ổn định huyết áp.

Củ hành: Vị ngọt, cay, tính bình. Củ hành chứa nhiều calci, thường ăn củ hành giúp bổ sung calci, có tác dụng hỗ trợ giảm huyết áp. Các nhà khoa học còn khám phá rằng, củ hành chứa prostaglandins và thành phần kích hoạt hoạt tính của fibrin tan trong máu. Những thành phần này là chất giãn mạch, giúp làm giảm áp lực của động mạch vành.

Cúc hoa: Vị cay, đắng, tính hơi hàn. Các thành phần tinh dầu, flavonoid… có tác dụng hạ áp nhẹ.

Câu kỷ tử: Vị ngọt, tính bình. Có chứa beta-caroten và nhiều vitamin, bảo vệ thần kinh thị giác, giảm áp, điều tiết chức năng miễn dịch cơ thể.

Rau cần tây: Tính mát, vị ngọt, cay, có tác dụng thanh nhiệt bình can, lương huyết khu phong. Có thể dùng riêng để vắt nước cốt, thêm một ít đường đen, uống chung với nước chín nguội, hay lấy phần rễ để sắc uống, ngày 2 lần, huyết áp sẽ ổn định.

Cà dái dê: Tính mát, vị ngọt, có tác dụng mát máu thông kinh lạc, chứa vitamin A, nhóm B, C, P, giúp bền các mao mạch và tế bào. Là thức ăn huyền diệu phòng trị bệnh tăng huyết áp.

Cà chua: Tính bình, vị ngọt, chua, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can, hạ áp. Cà chua chứa các thành phần beta-caroten, vitamin P… có hiệu quả nhất định đối với người bệnh tăng huyết áp do xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành. Hàng ngày ăn 2 quả cà chua sống giúp phòng và trị bệnh.

Dưa hấu: Vị ngọt, tính mát, dịch quả dưa hấu chứa đủ các thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể. Thành phần đường trong dưa có tác dụng ổn định huyết áp.

Bí đao: Là thức ăn nhiều kali giúp lợi tiểu, vị nhạt, tính mát. Thường ăn bí đao rất tốt cho người bệnh tăng huyết áp, bệnh thận và béo phì.

Đậu xanh: Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thủng lợi thủy. Vị ngọt, tính mát. Thường ăn đậu xanh và chế phẩm đậu xanh giúp thông kinh mạch, ổn áp. Món giá đậu xanh xào thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.

Bó sôi: Chứa protid, cellulose, calci, phosphor, sắt, beta-caroten, vitamin C, PP, acid oxalic…, giúp thông huyết mạch, chỉ khát nhuận trường, vị ngọt, tính mát. Thích hợp dùng cho người bệnh tăng huyết áp, táo bón mạn tính. Có thể dùng bó sôi sống trụng trong nước sôi 3 phút, trộn ăn với dầu mè, ngày 2 lần, mỗi lần 200 - 300 g.

Củ cải trắng: Tính mát, vị cay, ngọt, đắng, có tác dụng tiêu thực, lý khí, hóa đàm… Nước củ cải dùng chữa chóng mặt do tăng huyết áp.

Cà rốt: Chứa nhiều vitamin A và kali, calci, phosphor, sắt, vị ngọt, tính bình. Muối kali trong cà rốt có tác dụng hạ áp. Có thể chỉ uống riêng nước cốt cà rốt, mỗi lần 100 g, ngày 2 lần.

Chuối: Bảo vệ cơ tim, cải thiện chức năng mạch máu. Vị ngọt, tính mát. Người bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành nên thường xuyên ăn chuối.

Quả hồng: Vị ngọt, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, chỉ khát hạ áp, chứa acid tannic, beta-caroten, dùng chữa tăng huyết áp thời kỳ đầu. Thường xuyên ăn hồng tươi và hồng dòn, có tác dụng tốt hơn trong việc phòng trịtăng huyết áp.

Sơn tra: Tính hơi ấm, vị chua, ngọt, chứa nhiều vitamin C, beta-caroten, acid malic, calci, sắt…, làm giãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu động mạch vành, cải thiện sức bóp của tim. Tác dụng của sơn tra giúp phá hủy những chất béo đóng trên thành mạch, cải thiện xơ cứng động mạch.

Táo tây (pom): Tính bình, vị ngọt, chua, chứa vitamin A, nhóm B, C, acid malic, acid citric, acid tartaric, xơ…, có tác dụng bổ tim ích khí, tạo thể dịch giải khát. Táo là thức ăn nhiều kali ít natri, kali dồi dào có thể kết hợp natri dư thừa trong cơ thể, để đào thải ra ngoài. Khi ăn quá nhiều muối có thể ăn táo để “trung hòa”. Táo giúp ngừa tăng cholesterol trong máu, giảm đường, chất xơ của táo có tác dụng thông tiện. Người bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành nên thường xuyên ăn táo, có ích cho sức khỏe.

Ngân nhĩ (nấm tuyết): Vị ngọt, nhạt, tính bình, chứa các polysaccharid giúp giảm mỡ máu, tăng cường miễn dịch cơ thể, nâng cao chức năng giải độc của gan, cải thiện chức năng thận, giảm cholesterol và triglycerid máu…, có hiệu nghiệm đối với bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, cao mỡ máu, xuất huyết đáy mắt…

Hải đới (phổ tai): Vị mặn, tính mát. Có tác dụng hạ áp, mạnh tim, trì hoãn cơn đau thắt ngực, giảm mỡ máu… Bên cạnh đó, phổ tai còn có thể giảm áp lực trong sọ, trong mắt, giảm nhẹ phù não.

Rau tần ô: Vị ngọt, cay, tính bình, có tác dụng lương huyết dưỡng tâm (mát máu bổ tim). Tần ô chứa tinh dầu và cholin, có tác dụng hạ áp, bổ não. Tần ô sống một bó, rửa sạch giã nát vắt lấy nước, uống với nước ấm. Ngày 2 lần, giúp hạ áp, bổ não.

Đọt xà lách: Vị ngọt, đắng, tính mát. Chứa nhiều kali, ít natri, giúp lợi tiểu, tăng cường trương lực mạch máu, cải thiện chức năng co bóp của tim.

Bí rợ (bí đỏ): Vị ngọt, tính ấm. Chứa protid, tinh bột, nhiều vitamin và calci, phosphor, kali… Nghiên cứu gần đây khám phá, ăn bí rợ thường xuyên phòng trị bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường.

Dưa leo (dưa chuột): Vị ngọt tính mát, có tác dụng giải khát, lợi niệu, nhuận trường, giảm đau… Chứa protid, lipid, glucid, calci, phosphor, sắt và vitamin A, nhóm B, C. Dưa chuột giúp hạ áp và giảm béo phì. Có thể ăn sống hoặc chín. Cũng có thể dùng dây dưa chuột 15 g, sắc uống, ngày 3 lần.

Hồ lô (bầu): Vị ngọt, nhạt, tính bình. Hồ lô tươi ép lấy nước, dùng uống với mật ong, mỗi lần 1 ly nhỏ, ngày 2 lần, 7 ngày là một liệu trình, dùng để hạ áp.

Củ sen: Vị ngọt, tính mát. Dùng trị tăng huyết áp kèm triệu chứng căng đầu, hồi hộp, mất ngủ, mỗi ngày dùng 100 g củ sen tươi sắc uống, 15 ngày là một liệu trình.

Nấm hương: Là thực phẩm giàu kali ít natri, vị ngọt, tính bình. Chứa nhiều calci, selen... Trong nấm hương giàu chất acid nucleic..., có tác dụng làm tan cholesterol. Khi nấu ăn, cho thêm vài tai nấm hương, giúp ổn định huyết áp và chống xơ vữa động mạch.

Nấm mèo đen (hắc mộc nhĩ): Vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu, chứa hoạt chất nucleonic, giảm nguy cơ gây nhũn não ở người cao tuổi bị tăng huyết áp; giảm mỡ máu lên cao, ngăn cản chất béo lắng đọng tại các tổ chức cơ tim; gan; động mạch chủ, giảm nhẹ hay trì hoãn sự hình thành xơ vữa động mạch. Nấm mèo đen là thức ăn giàu kali ít natri, là món ăn thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp kèm chảy máu đáy mắt; xuất huyết não và người bệnh nhũn não.

Măng tây: Chứa nhiều vitamin P, C, đường, mangan, cholin, arginin…, có tác dụng tốt trong phòng trị bệnh tăng huyết áp. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Món ăn - Thức uống để ổn định huyết áp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO