Món ăn nên thuốc từ đậu đỏ

LY. HỮU THÀNH| 14/11/2017 16:54

KHPT-Theo đông y, đậu đỏ tức xích đậu, vị ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu ứ, dưỡng huyết, thanh hỏa độc, chữa viêm phù thận, xơ gan cổ trướng, vàng da... Vậy mà lâu nay chúng ta cứ quan niệm rằng đậu xanh vừa là thực phẩm, vừa là thuốc, nhất là công dụng giải độc; đâu ngờ đậu đỏ cũng là một “cao thủ”.

Theo tây y, trong đậu đỏ có chứa nhiều dưỡng chất quý. Cứ 100 g đậu đỏ khô thì có chứa 60,9 g chất đường, 4,8 g chất xơ, 20,9 g protid, 3,3 g tro. Ngoài ra, trong đậu đỏ còn chứa rất nhiều các loại vitamin và khoáng chất như calci, phosphor, acid nicotinic, vitamin B1, B2...

Công dụng giải độc tuyệt vời

Đậu đỏ có thể giúp cơ thể giải độc vì trong loại hạt này rất giàu vitamin B và một lượng lớn thành phần mang tính kiềm có tác dụng giải độc cao, kích thích nhuận trường giúp bài trừ chất độc. Ngoài ra, vỏ đậu đỏ cũng chứa nhiều chất xơ có tác dụng kích thích nhu động ruột rất tốt, nhờ đó loại bỏ được các chất cặn bã bám ở thành ruột, giúp làm sạch ruột.

Với những người bị ngộ độc nhẹ, cho uống ngay 1 ly nước đậu đỏ nấu với một ít muối. Đậu đỏ rất lợi tiểu, chính vì thế sẽ đẩy hết chất độc tồn tại trong cơ thể thông qua đường tiểu. Với người bình thường, chỉ cần uống nước và ăn đậu đỏ hầm nhừ cách ngày một lần là đã có thể giải độc cơ thể rất tốt.

Những bài thuốc từ đậu đỏ

Chính nhờ tác dụng giải độc, lợi tiểu nên đậu đỏ là một loại thực phẩm được bác sĩ khuyên dùng cho các bệnh nhân mắc bệnh tim, phù thận, thận yếu, khó tiểu tiện, sỏi đường tiết niệu hay mặt nổi nhiều mụn...

Cách sử dụng đậu đỏ quen thuộc nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất và đơn giản nhất nhằm giải độc cơ thể, giải độc thận, lợi tiểu… là đậu đỏ rang cho vừa cháy sém, buổi tối lấy một nắm 50 g cho vào bình giữ nhiệt, chế vào  1 lít nước sôi ngâm qua đêm, sáng dậy lấy nước uống trong ngày.

Ngoài ra, trong các bài thuốc dân gian có sử dụng đậu đỏ thì loại đậu này đã thể hiện vai trò giải độc rất rõ.

- Bệnh sỏi tiết niệu: 50 g đậu đỏ, 50 g hạt gạo tẻ, 20 g kê nội kim, tức màng trong mề gà phơi khô, tán bột, chút đường. Đậu đỏ nấu cùng gạo thành chè, trộn kê nội kim và đường vào, ngày ăn 2 lần, ăn trong 30 ngày.

- Bệnh phù thũng, tiểu tiện không thông: 20 g đậu đỏ, 30 g hạt bo bo, 30 g gạo, chút đường. Đậu đỏ ngâm mềm nấu sôi cho mềm rồi cho nguyên liệu còn lại vào nấu nhừ, cho đường vào để dễ ăn. Ngày ăn 2 lần, ăn nhiều ngày cho đến khi hết bệnh.

- Bệnh viêm thận cấp tính: 50 g đậu đỏ, 1 con cá chép, 1 kg bí đao, chút hành. Chế biến thành món canh cá chép đậu đỏ rồi ăn cả nước lẫn cái, sau đó đắp mền cho vã mồ hôi. Ngày ăn 1 lần, ăn liên tục trong 7 ngày.

- Bệnh viêm tiểu cầu thận: 90 g đậu đỏ, 60 g râu bắp, 20 trái táo đỏ, 30 g đường đỏ hoặc đường vàng. Nấu nước uống trong ngày cho đến khi hết bệnh (khoảng từ 1 - 3 tháng).

Tuy nhiên, lưu ý rằng khi dùng làm vị thuốc thì dùng xích tiểu đậu, tức đậu đỏ hạt nhỏ là tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Món ăn nên thuốc từ đậu đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO