Mối tương quan du lịch và ẩm thực

06/02/2006 04:19

Việt Nam - một vùng đất có nhiều địa danh là di sản văn hóa của nhân loại - là mảnh đất mà thiên nhiên rất tươi đẹp, hữu tình..., là quê hương của một dân tộc anh hùng, đang lưu truyền một nền văn hóa đậm đà bản sắc riêng... Tất cả đã tạo nên một điểm đến vừa bình yên vừa hấp dẫn, thu hút biết bao du khách quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn...

Cô Phan Tôn Trịnh Hải - GV Trường Nghiệp vụ Du lịch và Ngoại ngữ Khôi Việt hướng dẫn chế biến món ăn cho các học viên người nước ngoài

Vì thế, ngành du lịch Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Việt Nam đã vượt chỉ tiêu kế hoạch của ngành và đã góp phần thu hút một nguồn ngoại tệ lớn cho ngân quỹ quốc gia. Bên cạnh đó, du lịch phát triển đã giúp phát triển theo các ngành nghề liên quan khác như: Giao thông vận tải, thương mại, làng nghề...; giúp giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lao động vô cùng đông đảo cho xã hội, đồng thời góp phần mang lại sự phồn vinh, ấm no, hạnh phúc cho đất nước.

Để đón tiếp những khách viễn du đến tham quan một vùng miền nào đó, điều tất yếu chúng ta phải có sự đầu tư cho các cơ sở hạ tầng như xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ hướng dẫn tham quan, cửa hàng mua sắm, khu giải trí... Trong đó, dịch vụ phục vụ ăn uống cho du khách là một dịch vụ không thể thiếu và yếu.

Sản phẩm ăn uống có vai trò vô cùng quan trọng trong kinh doanh du lịch ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào. Ngành Du lịch Việt Nam sớm ý thức được tầm quan trọng ấy, đã đầu tư xây dựng 4 trường du lịch lớn trong cả nước: Hà Nội, Huế, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình giảng dạy kết hợp truyền thống và hiện đại, đã đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ bếp trong khắp cả nước. Qua những mái trường này, đã có không ít những nghệ nhân bếp, công nhân bếp với bàn tay thuần thục kỹ năng, với khối óc đầy sáng tạo... và nhất là với lương tâm nghề nghiệp.v.v... đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả trên.

Món ăn còn là một trong những đối tượng giúp thỏa mãn nhu cầu khám phá của ngành du lịch. Khách sành ăn, thích tìm sự khoái khẩu trong việc ăn uống, số tìm đến những đặc sản lừng danh của mỗi địa phương. Theo sự hướng dẫn trong Guidebook, nhiều du khách để đến Huế chỉ vì muốn thưởng thức món cơm nghe tên thật lạ lùng: Cơm Âm phủ Huế hoặc về vùng đất có những món ăn đã đạt các giá trị cao về chất lượng cảm quan, giá trị nghệ thuật, cũng như nét đẹp trong văn hóa ăn uống: Chả cá Thăng Long, Cao lầu phố Hội, gà quay - xôi chiên phồng Bình Dương, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, cơm lam Pắc Pó, rượu cần Tây Nguyên... và như thế, ẩm thực chính là đối tượng thu hút du khách. Món ăn là niềm tự hào của dân tộc khi được giới thiệu và phục vụ du khách. Ngay tại Việt Nam, nhiều món ăn, không còn giá trị vật thể mà đã vươn cao hơn, mang hồn thiêng của sông núi, thể hiện được trình độ, bản sắc của một khối cộng đồng dân cư... Điều này ta có thể chứng minh qua chiếc bánh chưng trong hội thi năm nào của Lang Liêu, thể hiện lòng trung hiếu của người Việt cổ, thể hiện sự am hiểu uyên bác về sự cân bằng dưỡng chất cho nhu cầu sinh lý của con người; hoặc ché rượu cần Tây Nguyên, đã thể hiện được tình hữu nghị, sự đoàn kết... là một trong những nét văn hóa mang tính nhân văn sâu đậm của con người bản địa...

Tổ quốc Việt Nam đã tự hào có những di sản văn hóa và thiên nhiên mà thế giới công nhận và ngưỡng mộ. Đây là điểm đến lý thú và bình yên. Trong quá khứ, đã có biết bao khách du lịch đến vùng Vịnh biển Hạ Long, Động Phong Nha, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn... và trong cuộc hành trình của mỗi một du khách, món ăn đã là một người bạn đồng hành gắn bó keo sơn. Nơi dừng chân dễ nghỉ dưỡng, để thưởng thức những món ăn do người dân bản địa chế biến. Có thể là những đặc sản mang hương vị của từng miền quê đất Việt như: Bánh cuốn, phở, chả cá Lã Vọng... trên đất Bắc; chả giò, hủ tiếu, xôi chiên phồng... ở vùng đất phương Nam; kẹo Cu Đơ, bánh tổ, mì Quảng... tại khúc ruột miền Trung.

Bún bò, bánh khoái, cơm hến... đậm đà hương vị của vùng đất một thời là chốn kinh kỳ đô hội của các triều vua Nguyễn... Những món đặc sản phong phú này đã giúp họ cảm nhận thêm sự lý thú, sự khám phá từ những rung cảm vị giác... tìm hiểu sâu hơn về hồn dân tộc, về những nét đẹp trong phong cách ăn uống đời thường dân dã, trong nghệ thuật trang trí bình dị nhưng tài hoa... vô cùng phong phú, đa dạng của văn hóa ẩm thực nhiều vùng miền trên Tổ quốc Việt Nam.

Món ăn trong kinh doanh du lịch, cũng có thể là những hương vị của quê nhà xa xôi của mỗi một du khách đến từ Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật... Sau một thời gian dài đi du lịch, phải sống xa Tổ quốc, sự khao khát muốn thưởng thức lại hương vị quê nhà là một điều ai cũng có. Vì thế, món ăn trong giờ phút này đã mang một trọng trách cao cả hơn, giúp viễn khách vơi nỗi nhớ nhung. Vì thế, trong kinh doanh du lịch, đã có biết bao món ăn của các dân tộc khắp nơi trên thế giới, được những người đầu bếp nơi những vùng đất du lịch ấy hướng dẫn tập tành chế biến và phục vụ: Panna cotta with strawberry, Pizza mari nara, Velouté dieppoise, Filet de Turbot sauce Maltaise - Pamplemousse... Tất cả, đã góp thành một danh mục món ăn vô cùng phong phú, đa dạng..., luôn thay đổi theo từng vùng đất, từng thời tiết khí hậu, từng túi tiền chi trả của thực khách...

Ẩm thực còn mang một trọng trách cao cả hơn - đó là sự giao lưu văn hóa của nhân loại. Khẩu vị của từng dân tộc, vùng miền và sản địa nơi mỗi địa phương đều ít nhiều có sự khác biệt. Việc kết hợp trong công thức và hương vị khi chế biến, đã tạo ra những món ăn vừa mang tính tiên tiến hiện đại vừa đậm đà bản sắc địa phương. Qua đó tạo thêm sự thỏa mãn cho thực khách khi thưởng thức và làm phong phú hơn danh mục món ăn của nhân loại. Ví dụ: món Crème au caramel của châu Âu, khi đến đất Việt lại đậm đà hương vị của sữa dừa đất phương Nam; món cá kho tộ Việt Nam trên đất Pháp lại chỉ phảng phất nhẹ nhàng hương nước mắm vì nước sốt đã được pha chế thêm từ sự kết hợp với Fumet de Poisson... của những hải sản trên Đại Tây Dương, Địa Trung Hải... Và những món ăn kết hợp này ra đời đã kết nối đôi bờ ẩm thực Đông - Tây, kết nối ẩm thực bốn biển - năm châu... giúp nhiều dân tộc xích lại gần nhau hơn!

Từ những yếu tố trên, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, nhận thức về chuyện ăn uống, phải có nhiệm vụ nâng vai trò của ẩm thực lên đúng tầm vóc của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối tương quan du lịch và ẩm thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO