Môi trường đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học

Anh Thư| 25/02/2019 11:15

KHPTO - Theo ông Trần Ngọc Chu, Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen, chất lượng khởi nghiệp của sinh viên liên quan tới chương trình giáo dục khởi nghiệp vì nó làm giàu kiến thức về khởi nghiệp và làm phát triển các kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Hơn nữa, tinh thần và ý định khởi nghiệp của sinh viên còn được ảnh hưởng bởi các yếu tố về “môi trường” như: thông tin kinh doanh, mối quan hệ xã hội, môi trường khởi nghiệp ở trường đại học…trong đó, bên cạnh những yếu tố về xã hội, thị trường và khả năng tiếp cận vốn thì “môi trường khởi nghiệp ở các trường đại học” cũng được đánh giá là có mang lại tác động tích cực đến “ý định khởi nghiệp” của sinh viên.

Ông Trần Ngọc Chu cho rằng, ở góc độ xã hội, môi trường đào tạo khởi nghiệp là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các tác nhân cấu thành nên “hệ sinh thái khởi nghiệp”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), một hệ sinh thái khởi nghiệp được cấu thành bởi 8 thành phần: khả năng tiếp cận thị trường; nguồn nhân lực và lực lượng lao động; tài trợ và tài chính; hệ thống hỗ trợ và cố vấn; chính sách và khuôn khổ pháp lý; giáo dục và đào tạo; các trường đại học đóng vai trò xúc tiến; và hỗ trợ văn hóa.

Với thành tố “Giáo dục đào tạo” và “Các trường đại học đóng vai trò xúc tiến”, các công ty khởi nghiệp có thể hưởng lợi tốt từ sự sẵn có lực lượng lao động có học vấn. Giáo dục giúp nâng cao năng lực học hỏi những điều mới mẻ và người lao động có sự đánh giá tốt hơn về những cơ hội và thách thức trên thị trường và nơi làm việc. Các kiến thức từ hoạt động giáo dục đào tạo, được xúc tác bởi văn hóa khởi nghiệp, văn hóa tôn trọng tinh thần kinh doanh do môi trường đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học mang lại, sẽ hình thành ý tưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện để thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp để  đóng cho sự phát triển của xã hội, và đây và cũng là một trong những mục tiêu cuối cùng và trọng yếu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Xu hướng gần đây cho thấy, các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu đổi mới chương trình đào tạo theo hướng bổ sung học phần về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo thông qua việc bắt đầu giảng dạy cho sinh viên học phần khởi nghiệp, cũng như mở các khóa đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mong muốn của xu hướng này là để giúp sinh viên nhận thức đúng về khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thúc đẩy tinh thần khởi ngiệp của sinh viên, cũng như cung cấp cho sinh viên kiến thức, công cụ, kỹ năng, môi trường, mạng lưới, nguồn tài trợ để khởi sự hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và thành công.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc xây dựng và phát triển môi trường đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng để giáo dục kiến thức, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, trao cho sinh viền nhiều cơ hội khởi nghiệp, kết nối xã hội, thực tập va chạm thực tế là một trong những yêu cầu cần thiết đối hệ thống giáo dục hiện nay nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Vai trò của mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường

Theo ông Trần Ngọc Chu, với vị trí là một thành phần của nền kinh tế, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc tạo lập các mối liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và đưa kết quả từ sự hợp tác, liên kết đó vào thực tiễn hoạt động. Vì suy cho cùng thì đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục khởi nghiệp, là một trong những cách để tạo ra nguồn lực về trí tuệ, con người để đóng góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.

Việc hỗ trợ xây dựng môi trường đào tạo khởi nhiệp cũng không nằm ngoài xu thế trên. Về bản chất, hỗ trợ xây dựng môi trường đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên là một trong những nội hàm của mối liên kết – hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng. Đây là mối quan hệ được xúc tiến, thúc đẩy và trở thành xu thế chung đối với hoạt động giáo dục – đào tạo trong những năm gần đây. Ở góc độ học thuật, theo một số báo cáo nghiên cứu, việc “hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp” được xác định là một trong 8 phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học.

Xét về lợi ích, mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trong việc xây dựng môi trường đào tạo khởi nghiệp đều mang lại những lợi ích lâu dài cho các bên, cụ thể:

  • Sinh viên là người thụ hưởng, cũng là mục tiêu chính mà những thành quả được tạo ra từ sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và đại học hướng tới. Với các chương trình đào tạo khởi nghiệp được đầu tư bài bản, chất lượng, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và tinh thần đối với hoạt động khởi nghiệp. Hơn hết, sinh viên có thể nhận được sự tài trợ về mặt tài chính, nguồn lực từ các doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ, học bổng, các vườn ươm, câu lạc bộ và trung tâm khởi nghiệp để thúc đẩy tinh thần, động lực cho việc khởi nghiệp trong tương lai.
  • Đối với các trường đại học và cao đẳng, việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trước hết sẽ đảm bảo về nguồn lực tài chính, cũng như nguồn dữ liệu kiểm chứng thực tế để nâng cao, cải thiện chất lượng của các chương trình đào tạo khởi nghiệp. Sự tài trợ từ các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong việc tổ chức các khóa đào tạo, tọa đàm, tư vấn khởi nghiệp; thành lập và duy trì các câu lạc bộ, vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, sự hợp tác với doanh nghiệp còn tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng tổ chức cho sinh viên được trải nghiệm, tiếp xúc thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tinh thần và động lực cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.
  • Đối với doanh nghiệp, việc liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nguồn tri thức từ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Các doanh nghiệp có thể áp dụng các sản phẩm, công nghệ, sáng kiến từ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế để tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững. Sự hỗ trợ cho môi trường đào tạo khởi nghiệp cũng là nguồn động lực để thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tạo nên nguồn đối tác tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, thông qua việc tài trợ cho hoạt động đào tạo khởi nghiệp, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để quảng bá tên tuổi và thương hiệu của mình.

Trên thực tế, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học đã được hình thành và thúc đẩy trong khoảng 10 năm trở lại. Tuy nhiên, sự hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp, chỉ mới được xúc tiến trong khoảng thời gian gần đây,  được triển khai khá thưa thớt, thiếu sự đồng bộ, nhất quán và còn mang tính ngắn hạn. Bên cạnh đó, bản thân sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp nói chung vẫn còn được đánh giá là chưa hiệu quả và mang tính “chắp vá” về cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Hầu hết các hợp tác xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải từ kế hoạch chiến lược dài hạn; mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” và là các “hợp tác ngắn hạn”. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, trong số hơn 400 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với đại học, chỉ có 47 trường hợp xem các đại học là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO