Mở hướng du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở vùng Đồng Tháp Mười

Bài và ảnh: Gia Phú| 01/08/2019 16:51

KHPTO - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức tọa đàm phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Du lịch cộng đồng - nông nghiệp tại Đồng Tháp mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây, bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương - con người - văn hóa Đồng Tháp.

Du lịch cộng đồng sinh thái nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Quá trình phát triển, tỉnh tập trung lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng văn hóa bản địa là quan trọng để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng. Hiện nay, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu nông trại, trang trại, vườn cây ăn trái… gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa Đồng Tháp ngày một tăng, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Theo ông Bửu, tuy xuất phát trễ loại hình du lịch này so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng và bước đầu gặt hát được một số kết quả khá khả quan. Trong đó, đầu tiên phải kể đến cánh đồng sen bạt ngàn ở khu Đồng Sen Tháp Mười, thời điểm bắt đầu chỉ có 5 hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen, hiện tại đã có 9 hộ tham gia khai thác du lịch.

Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình một tháng, các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm lễ, tết, trung bình một ngày có trên 1.000 lượt khách du lịch đến đây tham quan và trải nghiệm.

Tiếp theo đó là thành công của các hộ dân có vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan.

Hiện nay, có 9 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn đang khai thác phục vụ khách tham quan du lịch. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 75.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 24 tỷ đồng.

Đặc biệt, mô hình thành công nhất là “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ” ở Sa Đéc với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài.

Năm 2018, lượng khách du lịch đến thành phố Sa Đéc đạt 1.079.746 lượt, trong đó khách quốc tế là 40.786 lượt. Các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh cũng đã mạnh dạn phối hợp với nhiều công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn như chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”… Điển hình như Công ty CP nông trại sinh thái Ecofarm tọa lạc tại xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp với diện tích sản xuất 3 ha theo nông nghiệp công nghệ cao trồng các loại hoa, rau màu, dưa lưới, dưa lê...

Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Ecofarm cho biết: Gần 2 tháng nay, Công ty đã liên kết với nhiều Công ty du lịch ở miền Bắc, TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đón khách đến tham quan, trải nghiệm tận mắt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và thưởng thức các loại trái cây, rau màu và nước uống đóng chai đảm bảo an toàn cho sức khỏe...

Ông Võ Thanh Ngoan, phó giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, tỉnh đón trên 3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến các điểm du lịch trong tỉnh đem lại nguồn thu trên 500 tỷ đồng. Trong đó, loại hình phát triển du lịch cộng đồng đang là xu thế và khách du lịch tìm đến các sản phẩm du lịch này ngày một tăng, nhưng ban đầu du lịch cộng đồng - nông nghiệp tại Đồng Tháp còn mang nặng tính tự phát, hiệu quả chưa cao. Tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn sơ, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách.

Theo ông Ngoan, để du lịch cộng đồng - nông nghiệp của địa phương đi vào bài bản, chuyên nghiệp và phát triển theo hướng bền vững thì ngành du lịch cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân địa phương phải ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin. Đồng thời, tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lắp, việc xây dựng các sản phẩm chủ đạo, khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là rất quan trọng.

cnc

Đồng Tháp đẩy mạnh các loại hình phát triển du lịch nông nghiệp cộng đồng và gắn với nông nghiệp công nghệ cao

an

Du khách thưởng thức các món ăn đồng quê

Ynh_2_-_

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở vùng Đồng Tháp Mười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO