Mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi heo tại thành phố Bảo Lộc

VĂN CHIẾN| 28/06/2020 05:00

KHPTO - Để giải quyết những thách thức, khó khăn và tồn tại của thực trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã phối hợp hội nông dân các phường, xã xây dựng mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái tại các trang trại, hộ gia đình có quy mô lớn và gần khu dân cư.

Với nguyên lý sử dụng các chất liệu “trơ” nhưng thấm nước, không mủn để làm giá thể cho vi sinh vật phân giải chất thải lên men, tốt nhất là mùn cưa. Vi sinh vật sẽ phân giải phân, nước tiểu để sinh trưởng phát triển và làm giảm ô nhiễm do chất thải, giảm được đáng kể mùi hôi thối, ruồi muỗi. Đặc biệt, protein vi sinh vật tạo ra trong mùn cưa của đệm lót sẽ trở thành thức ăn sinh thái cho vật nuôi. Khi được phân giải, các chất dinh dưỡng trong phân vật nuôi sẽ chuyển hóa thành protein của vi sinh vật có lợi. Các vi sinh vật có lợi sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa của vật nuôi được tốt hơn, nhờ đó đã làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi.

Tham quan thực tế tại các mô hình cho thấy, chất thải được phân giải hoàn toàn, chuồng nuôi gần như không có mùi hôi, giảm hẳn côn trùng, ruồi, muỗi... Với sự kết hợp giữa đệm lót lên men làm từ trấu hay mùn cưa với chế phẩm balasa, công nghệ chăn nuôi không mùi hôi với đệm lót sinh thái mang lại những lợi ích như: do phân được tiêu hủy hoàn toàn bằng tự nhiên, không gây ra mùi hôi nên môi trường sống của người dân xung quanh hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Do đó, ruồi, muỗi và các tác nhân gây dịch bệnh cũng không có cơ hội phát triển; do không cần dọn phân, rửa chuồng nên lượng nước tiêu dùng trong chăn nuôi cũng giảm thiểu tối đa nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho nhân công hay điện cũng được giảm; do môi trường sạch nên vật nuôi cũng không dễ mắc bệnh, nhờ vậy giảm được chi phí chữa bệnh; nhờ các vi sinh vật có trong mùn cưa mà vật nuôi tiêu hóa tốt hơn, từ đó chất lượng thịt cũng tốt hơn; hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi cũng tăng lên.

Xin giới thiệu kỹ thuật xây dựng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi heo khá thành công tại Bảo Lộc, quy mô: cho 20m2/chuồng nuôi heo.

Thiết kế nền đệm lót

Kết hợp điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố Bảo Lộc với điều kiện thực tế nơi xây dựng mô hình. Nên thiết kế nền đệm lót trong quy trình tạm thời trong các trường hợp sau:

Trong trường hợp xây dựng mới: thiết kế loại đệm lót nửa

nổi nửa chìm trên nền đất, chìm dưới 30 cm; thiết kế loại đệm lót chìm dưới 60 cm so với nền đất.

Trường hợp có sẵn nền chuồng cũ: tùy vào điều kiện cụ thể sẽ thiết kế cho phù hợp và đảm bảo các tiêu chí của đệm lót đặt ra: đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng.

Cách pha chế men, bột bắp và làm đệm lót

Cách pha chế men và bột bắp, thành phân nguyên liệu: men balasa N01: 1,5 kg; bột bắp: 20 kg; mùn cưa: 12 m3.

Cách chế 200 lít dịch men: cho 1,5 kg men gốc và 15 kg bột bắp vào thùng, sau đó cho thêm 200 lít nước sạch (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 150C thì dùng nước ấm) khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian 1 - 2 ngày là có thể sử dụng được.

Cách xử lý bột bắp: lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột bắp, xoa cho ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm.

Cách làm đệm lót, gồm 9 bước cụ thể như sau:

- Rải lớp chất mùn cưa dày 30 cm.

- Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã bắp có trong dịch men lên trên mặt lớp mùn cưa.

- Tiếp tục rải lớp mùn cưa dày 30 cm.

- Phun nước sạch đều lên trên mặt đến khi đạt độ ẩm khoảng 30%. Chú ý khi phun nước phải dùng cào đảo để cho mùn cưa ẩm đều.

(Quan sát thấy mùn cưa thấm nước trở nên sẫm màu, sau đó lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rời là được).

- Rải đều 5 kg bột bắp đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.

- Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa sau đó rắc đều hết phần bã bắp còn lại lên mặt lớp mùn cưa.

- Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa.

- Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng nylon.

- Để lên men 5 - 7 ngày. Bới sâu xuống 30 cm thấy ấm nóng, không còn mùi nguyên liệu, có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là có thể dùng được. Sau khi lên men kết thúc: bỏ bạt phủ, cào cho lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả heo.

Cách sử dụng và bảo dưỡng đệm lót

Trước khi thả heo vào chuồng đệm lót, nên nhặt phân heo từ đàn cần thả bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để không tạo cho heo có thói quen thải phân một chỗ. Mật độ: heo lớn: 1,2 m2/con, heo nhỏ: 0,8 - 1 m2/con (qua nghiên cứu người ta nhận thấy với mật độ như trên sẽ đảm bảo sự tiêu hủy hết phân và kéo dài được tuổi thọ của đệm lót).

Cần đặc biệt chú ý: khi nuôi heo có trọng lượng hơn 60 kg trở lên thì lượng phân, nước tiểu thải nhiều, do heo ít vận động và có thói quen thải chất thải tập trung một nơi cho nên đệm lót chỗ đó bị ướt, dễ bị hỏng do không tiêu hủy hết phân và nước tiểu, do vậy cần có biện pháp để heo không thải tập trung một chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi heo tại thành phố Bảo Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO