Mở đường cho nông nghiệp đô thị

ANH ĐỨC| 19/06/2018 07:50

KHPTO - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều trung tâm nghiên cứu hiện đại và các viện, trường. Trên nền tảng đó, cùng với thực tế sản xuất, lãnh đạo thành phố đã định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, kèm theo đó là các chính sách để hỗ trợ để lĩnh vực này bức phá xứng tầm.

Đối tượng được hỗ trợ

Từ đầu năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 - 2020.

Đó là Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách là doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (chủ đầu tư) trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án, dự án khả thi (phương án khả thi) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Các chủ đầu tư ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có phương án khả thi tổ chức sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích của chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Các chủ đầu tư sản xuất giống phù hợp với mục tiêu của chương trình giống cây, con chất lượng cao.

Các tổ chức, cá nhân (gọi là chủ đầu tư) có dự án, phương án khả thi để đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông được ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất.

Đầu tư sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác theo quy hoạch và theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn; sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc phát triển du lịch sinh thái được ngân sách hỗ trợ 60% lãi suất. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất.

Cùng giải quyết vấn đề

Lãnh đạo thành phố xác định nông nghiệp đô thị của TP.HCM là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bước đầu có tác dụng rõ nét.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nông nghiệp đô thị phát triển, thành phố cũng sẽ phải tháo gỡ nhiều khó khăn như đô thị hóa dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, người dân không chú trọng đến sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường.

Ngành nông nghiệp đã định hướng chọn thế mạnh công nghệ, nhất là ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp, đưa TP.HCM trở thành trung tâm giống, cây trồng, vật nuôi hàng đầu khu vực.

Theo TS. Dương Hoa Xô, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, nông nghiệp TP.HCM khác với các tỉnh vì thành phố tập trung cho nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học.

Năm 2017, nông nghiệp thành phố đạt mức tăng trưởng 6,25%, lần đầu tiên trong nhiều năm, nông nghiệp thành phố đạt tăng trưởng cao.

Thành phố với chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển, ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện để phát huy hiệu quả cao nhất của nông nghiệp đô thị.

Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, điển hình là thành phố đầu tư trung tâm công nghệ sinh học lớn và hiện đại.

Trước những khó khăn và hạn chế về diện tích đất, nhân lực thì nông nghiệp đô thị cần chuyển hướng mới, đó là ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh chính sách lớn của thành phố, cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp để thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật.

GS.TS. Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, TP.HCM cần có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, bởi đặc thù diện tích sản xuất nhỏ nhưng có sự hỗ trợ tốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là xu hướng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Tại Nhật, chỉ cần khu đất nhỏ hay chỉ là căn nhà phố nhưng được ứng dụng công nghệ hiện đại, họ có thể tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Với lợi thế của thành phố, TP.HCM phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Tuy nhiên, làm sao chính sách và người dân cần gần nhau hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở đường cho nông nghiệp đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO