Miền Tây không chỉ có mênh mông sông nước

AN NHIÊN| 26/06/2019 08:38

KHPTO - Trước khi đến Mekong, ấn tượng mà vùng đất này mang lại cho tôi là giai thoại về câu chuyện tình giữa một vị vua với một thiếu nữ Tây học theo Thiên Chúa giáo.

Hành trang đến miền Tây của tôi, do đó, ít nhiều man mác nỗi buồn của một chuyện tình chịu nhiều ngăn trở, mà phần nhiều là do khác biệt về tôn giáo. Thế rồi, chuyến về miền Tây lần đầu trong đời (từ Cần Thơ về Sóc Trăng, xuống Cà Mau rồi ngược lên Châu Đốc) lại cho tôi thấy một miền Tây rất khác, nơi các tôn giáo đặc sắc nhất của người Kinh, người Chăm, người Khmer hòa hợp đứng cạnh nhau, tạo nên một đời sống tín ngưỡng giàu bản sắc. Miền Tây là nơi tôi được đến thăm thánh đường Hồi giáo, chứng kiến hình ảnh giáo dân lặng lẽ nghiêng mình bên bức tượng gỗ tạc vị linh mục nổi tiếng mầu nhiệm, hay thưởng lãm những bức Phật thoại nơi ngôi chùa Khmer điển hình.

Nói về dân tộc Khmer là nhắc tới kiến trúc chùa tháp và Phật giáo Tiểu thừa. Trong số 600 ngôi chùa của đồng bào Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng nhất vẫn là Chùa Dơi. Ngôi chùa có tên Mahatup trong tiếng Khmer còn có tên gọi đặc biệt này là do hiện tượng đàn dơi hàng trăm con tìm về trú ngụ trong vườn chùa mỗi chiều. Có con nặng đến 1 kg và có đôi cánh rộng đến 1,5 m.

Chùa Dơi cuốn hút bởi những đường nét kiến trúc Angkor riêng có. Ngắm nhìn chính điện với một độ lùi đủ xa, sẽ thấy nổi lên họa tiết ngói màu được sắp vuông vức trên hai tầng mái. Hình tượng rắn Naga được chạm trổ tinh xảo nơi đầu mái, hay tượng tiên nữ trên những hàng cột bao quanh chính điện được tin là hiện thân cho những thử thách mà các Phật tử phải vượt qua trên đường tu tập.

Tạm biệt ngôi chùa trên 400 năm tuổi, chuyến hành trình tiếp tục xuôi về hướng Cà Mau. Đích đến là Nhà thờ Tắc Sậy. Ngay từ cổng vào, nhà thờ đã gây trầm trồ với quy mô đồ sộ của một công trình kiên cố, được xây dựng trên 3 tầng lầu chắc chắn, với tượng thánh giá vươn cao. Toàn bộ phần nội thất bên trong được làm bằng gỗ quý, hòa cùng hiệu ứng đèn vàng thắp sáng trước giờ lễ chiều, mang lại không khí thiêng liêng đặc biệt.

Tại thánh đường Hồi giáo ở Đa Phước, Châu Đốc, bạn sẽ sớm bắt gặp chi tiết mái tròn; biểu tượng mặt trời cùng vầng trăng khuyết; dãy hành lang được lát gạch trắng xóa, tạo cảm giác dài hun hút và nhất là hai sắc màu xanh, trắng chủ đạo vẫn thường xuất hiện tại các công trình Hồi giáo khác trên thế giới.

Nhưng làng Chăm Đa Phước vẫn mang một cá tính riêng, thể hiện bởi góc nhìn xuống hàng thốt nốt và những bụi chuối) đặc trưng của làng quê Nam bộ.

Tuy từng được nhìn ngắm hiện vật của nền văn minh có lịch sử lưu trú lâu đời ở vùng duyên hải miền Trung này, tại Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), nhưng chỉ khi được tận mắt chứng kiến cảnh các cô gái Chăm quấn khăn choàng thoăn thoắt dệt vải, bắt gặp những người đàn ông đội khăn và mặc váy trong đời sống hàng ngày, mới thấy quý những nỗ lực của họ trong việc duy trì đức tin và tập quán dân tộc mình. Lần đến thăm ngôi làng Hồi giáo đậm màu văn hóa Ả Rập, tôi cứ ước mình có thêm thời gian để được nán lại ăn bát phở Hallal, chuyện trò với bác sĩ Mohammed và theo chân các bé gái về thăm những ngôi nhà sàn điển hình của xóm Chăm.

Những ước mong còn dang dở, hứa hẹn sẽ sớm có ngày trở lại, để được một lần nữa “chạm” vào đời sống cộng cư của đồng bào Kinh, Khmer và Chăm nơi miền Tây Nam bộ.

dn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Tây không chỉ có mênh mông sông nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO