Máy liên hợp thu hoạch đậu phộng

MAI THY| 14/11/2008 15:55

Sau thành công của máy gieo đậu phộng (báo KHPT số 39/08), TS. Đỗ Hữu Khi và nhóm cộng sự tại Viện và Phân viện cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch đã tiến hành nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy liên hợp thu hoạch đậu phộng THL-0.2.

Theo KS. Trần Đức Công (Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) trên cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm mẫu máy liên hợp thu hoạch đậu phộng của Đài Loan, nhóm đã tiến hành thiết kế mẫu máy THL-0.2 có cải tiến một số cụm chi tiết như thay hộp số di động vô cấp điều khiển bằng thủy lực bằng hộp số máy kéo tay có cải tiến; thay đổi kích thước khung gầm máy; thay thùng chứa quả; giảm khe hở sàng làm sạch từ 13 - 14 mm xuống còn 8 - 9 mm cho phù hợp với kích thước quả đậu phộng Việt Nam; cải tiến lắp thêm một số bộ phận phụ trợ...

Máy liên hợp THL-0.2 có kết cấu và nguyên lý làm việc không quá phức tạp, phù hợp với trình độ công nghiệp chế tạo trong nước. Nguyên lý hoạt động của máy có thể tóm tắt như sau: bộ phận thu nhổ giúp dựng cây lên - bộ phận đào sẽ cắt đứt sự liên kết giữa chùm quả và đất - 2 vòng xích kẹp nhổ và giũ sạch đất bám dính trên quả - sau đó chuyền đến bộ phận lặt trái (gồm 2 trống quay ngược chiều nhau) - đậu phộng lúc này lại được đưa đến sàng quạt làm sạch và chuyển đến thùng chứa. Cuối cùng, thùng chứa làm nhiệm vụ vô bao. Thân cây sau khi tuốt được trải thẳng và giữ nguyên thân trên mặt đất, phục vụ rất tốt cho việc chăn nuôi.

Máy có năng suất 0,2 - 0,22 ha/giờ. Quá trình thử nghiệm cho kết quả rất khả quan: tỷ lệ đào nhổ sót ? 1,5%, tỷ lệ bứt sót quả ? 1%, tỷ lệ quả vỡ ? 3%. Do nguyên liệu và vật tư chế tạo máy được sử dụng hoàn toàn ở trong nước nên chi phí chế tạo khoảng 170.000.000 đồng, rẻ hơn 30% so với máy nhập ngoại có chức năng tương đương. Máy giúp giảm trên 90% công lao động và 30 - 40% chi phí so với thu hoạch bằng phương pháp thủ công hiện nay.

Hiện máy THL-0.2 đã được ứng dụng trong sản xuất 4 vụ tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và đã chuyển giao cho Trung tâm sản xuất thực nghiệm giống Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (thuộc Viện nghiên cứu cây có dầu) nhằm ứng dụng và giới thiệu mở rộng mô hình cơ giới hóa thu hoạch đậu phộng ở vùng Đông Nam bộ.

Bài, ảnh: MAI THY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máy liên hợp thu hoạch đậu phộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO