Mái nhà chung cho nhân tài Đất Việt

<_o3a_p>| 04/06/2005 00:36

Nhận thức việc phát triển nguồn nhân lực và nhân tài có một vị trí vô cùng quan trọng, sau một thời gian dài vận động, vừa qua, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam (VIFATA) đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất.

Với mục đích tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể nghiên cứu những vấn đề cơ bản, tổng kết thực tiễn của đất nước và tham khảo kinh nghiệm của thế giới về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài, làm tư vấn cho Đảng và Chính phủ, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, Đại hội đã thu hút được nhiều sự quan tâm trong và ngoài nước.

Cần một tổ chức thực sự trí tuệ:

Với sự ủng hộ của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học & Công nghệ, ngày 07/03/2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra quyết định số 33/2005/QĐ-BNV cho phép thành lập “Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam”. Ngay từ Đại hội lần thứ nhất này, Hội đã nhận được 315 đơn gia nhập Hội của các giáo sư, tiến sĩ, luật sư, nhà báo... với 78 tham luận và ý kiến đóng góp các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nhiều nhà quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Trong Đại hội, nhiều ý kiến của các nhà khoa học chỉ rõ, chúng ta có nguồn nhân lực, có nhân tài, song vấn đề quản lý, bố trí, sử dụng họ như thế nào là vấn đề bấy lâu nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Chính vì vậy, để đạt được mong muốn đó, Hội phải phấn đấu xây dựng thành một tổ chức thực sự “trí tuệ”. Hội phải là nơi quy tụ, đoàn kết, thu hút mọi nguồn lực của mọi nhà khoa học, mọi tổ chức khoa học, ở mọi lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước.

Ông Đoàn Duy Thành - khẳng định trong bài phát biểu tại Đại hội: “Hội cần hướng mọi hoạt động của mình tập trung vào các vấn đề chính như: Hội tụ, đoàn kết, động viên các nhà khoa học, nhà trí thức, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học... tập trung đề xuất những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn đặt ra về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài bao gồm cả nhận thức nội dung và phương pháp, kinh nghiệm quý của dân tộc và quốc tế”.

Nhân lực yếu, cơ cấu không hợp lý - bài toán nan giải:

Trong Đại hội, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đã tập trung vào các vấn đề “nóng” mà trước đây, trong nhiều Hội nghị, Hội thảo hầu như chưa tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt, vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, nhân tài; vấn đề khai thác nguồn nhân lực và chất xám trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có tay nghề cao và việc gửi công nhân có tay nghề cao đi bổ túc kỹ thuật ở nước ngoài; vấn đề kiến nghị một số chính sách trong việc sử dụng, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài... đã nhận được nhiều ý kiến tham gia sôi nổi. TS. Phạm Văn Khánh chỉ rõ những yếu kém mà chúng ta đang mắc phải: “Một trong những thách thức lớn với Việt Nam đó là nguồn nhân lực nước ta tuy dồi dào về số lượng (hơn 50 triệu người từ 15 tuổi trở lên) nhưng chất lượng yếu kém”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, qua kết quả cuộc điều tra vào cuối năm 1999, chỉ có 7,6% dân số từ 13 tuổi trở lên có bằng cấp về một trình độ chuyên môn kỹ thuật đã qua các trường đào tạo. Trong đó 2,3% là công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ có bằng cấp; 2,8% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 7% cao đẳng, 1,7% đại học và 0,1% trên đại học. Tỷ lệ này bao gồm cả hai ngành giáo dục và y tế, là hai ngành có tỷ lệ nhân lực buộc phải qua đào tạo mới được tuyển dụng. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo thấp nhưng cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý: Đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92. Thông thường cơ cấu này ở các nước phát triển là 1 - 4 - 10 hoặc 1 - 3 - 5. Theo TS. Khánh để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn cần phải đặt vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này lên hàng đầu.

Cùng quan điểm với TS. Phạm Văn Khánh, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học tổ chức quản lý cho biết: “Hiện nay, tại VN vẫn dư thừa lao động. Đặc biệt là mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về nhân lực. Chúng ta thừa nhiều lao động giản đơn chưa qua đào tạo, trong khi đó lại thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Bất lợi này dẫn đến xu hướng bị ép giảm thấp giá trị lao động trên thị trường lao động trong nước và quốc tế”. Nhiều nhà nghiên cứu còn khẳng định, hiện nay, tỷ lệ nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động qua đào tạo rất thấp, năm 1998 tỷ lệ này là 17,7%. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật lại phân bố không đều, phần lớn làm việc ở cơ quan Trung ương (94,4%); trong các doanh nghiệp, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 32% (trong khi đó ở Hàn Quốc là 48%, Nhật là 64,4%, Thái Lan là 58,2%). Riêng nông thôn, chiếm 71% lao động cả nước nhưng chỉ có 10% lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề chỉ có 0,44%. Lực lượng lao động khoa học kỹ thuật cho ngành khoa học kỹ thuật được đào tạo cho ngành nông nghiệp thì 89,9% làm việc ở các cơ quan Trung ương, ở cấp tỉnh chỉ chiếm 8,9%, cấp huyện chỉ có 1,8% và ở xã và cơ sở thì hầu như không có.

Không chỉ thế, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội vừa thiếu, vừa thừa về số lượng và yếu về chất lượng. Đội ngũ trí thức có trình độ cao (Giáo sư, Phó GS) hiện nay phần lớn lực lượng kế cận rất mỏng. Mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu đào tạo giữa đại học, cao đẳng, trung học và công nhân kỹ thuật. Tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo thấp dẫn đến hàm lượng chất xám trong sản phẩm không cao là nguyên nhân cơ bản làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm VN trên thị trường trong nước và quốc tế không cao.

Với sự ra đời của Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam, các nhà lãnh đạo, nhà khoa học cùng chung một mong muốn đưa VN lên một vị thế cao hơn, vững chắc hơn. Phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng người tài có một ý nghĩa cốt yếu trong việc thực hiện mục đích đó. Như GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN thì “Đào tạo nhân tài có ý nghĩa, nội dung và phạm vi rộng lớn. Sử dụng nhân tài cũng vậy. Phải sử dụng đúng khả năng và tạo điều kiện tiếp tục phát triển tài năng. Có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực và nhân tài sẽ tạo nền tảng tốt cho sự phát triển bền vững và có được những bước đột phá mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mái nhà chung cho nhân tài Đất Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO