Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau

PHÚC TẦN| 16/07/2019 13:42

KHPTO - Theo khuyến cáo của Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, khi sử dụng thuốc BVTV trên rau không nên dùng các thuốc BVTV nhóm clor, nhóm lân, tuyệt đối không nên dùng thuốc cấp độc I (cấp I là cực độc, cấp II là độc, cấp III là độc trung bình và cấp IV là tương đối ít độc).

Trong điều kiện cây con thì có thể sử dụng thuốc cấp độc II. Không nên dùng thuốc thuộc nhóm clor hữu cơ và lân hữu cơ trên rau mà cần sử dụng các thuốc nhanh phân hủy như thuốc vi sinh (BT, NPV…), thảo mộc (Rotenon, Nicotine, Neem…), cúc tổng hợp (Baythroid, Cyperan) để hạn chế dư lượng thuốc BVTV sau thu hoạch.

Trên nông sản, đặc biệt là trên cây rau không nên sử dụng các thuốc nhóm clor, lân hữu cơ và carbamte để tránh để lại dư lượng cao khi thu hoạch. Thường các thuốc nhóm này có lượng hoạt chất sử dụng trên một đơn vị diện tích rất cao (khoảng 1.000 - 2.000 g cho 1 ha rau). Trong khi, các thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp và một số thuốc khác có lượng hoạt chất sử dụng cho 1 ha ít hơn, chỉ vào khoảng 50 - 100 g/ha, có thuốc chỉ vài chục g/ha như Vertimec.

Nếu dùng thuốc BVTV quá liều quy định thì dư lượng để lại sẽ cao hơn bình thường. Trong trường hợp một loại thuốc nào đó đã bị sâu hại kháng thì không nên tăng liều lượng phun mà nên thay đổi loại thuốc khác. Lịch sử dụng thuốc trừ sâu: Thời gian đầu, sử dụng các loại thuốc có tính chọn lọc cao như thuốc nhóm điều hòa sinh trưởng, thuốc nhóm vi sinh vì giai đoạn này thường mật số sâu còn thấp và cần bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên để khống chế mật số sâu hại. Giai đoạn giữa thường có các cao điểm sâu hại xuất hiện thì nên dùng thuốc nhóm cúc hoặc nhóm khác đặc trị để khống chế mật số, giảm áp lực sâu hại vào giai đoạn thu hoạch. Giai đoạn sau: nên chọn các thuốc vi sinh, thuốc thảo mộc hoặc các loại thuốc khác nhưng có thời gian cách ly ngắn (thuốc nhanh phân hủy, ít độc) để bảo đảm không còn tồn dư dư lượng khi thu hoạch và bảo vệ cây rau trong giai đoạn gần thu hoạch.

Sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: “Đúng thuốc”: nên chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ, ít độc hại với người, môi trường và thiên địch. Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, thuốc đã bị cấm sử dụng. “Đúng lúc”: nên sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ. “Đúng liều lượng và nồng độ”: lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và độ pha loãng của thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Việc tăng, giảm liều lượng và nồng độ không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại. “Đúng cách”: cần phun rải đều và chú ý những nơi sâu, bệnh tập trung nhiều. Thuốc dùng để rải xuống đất không hòa nước để phun. Với thuốc trừ cỏ, không nên phun trùng lặp.

Dùng 2 hoặc nhiều loại thuốc trong một bình phun nhằm tăng hiệu lực phòng trừ để bổ sung cho nhau, có thể mở rộng phổ tác dụng và giảm số lần phun thuốc. Nên thay đổi loại thuốc giữa các lần phun khi phòng trừ cùng một đối tượng dịch hại. Mục đích chính là ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc. Gieo trồng các giống kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công (bắt tay, bẫy bã…). Chú ý bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc, tăng cường sử dụng phân sinh học, hữu cơ tăng sức đề kháng và sức chống chịu cho cây tốt hơn. Giảm phân bón hóa học, chỉ bón ở giai đoạn cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO