Luồng tàu biển vào Cần Thơ thật là đơn giản và rẻ tiền

KS. DOÃN MẠNH DŨNG <_o3a_p>| 19/12/2008 15:19

Trong những năm gần đây, luồng Định An liên tục bồi lắng gây khó khăn cho việc ra vào cảng Cần Thơ đối với tàu trọng tải lớn. Thời gian gần đây, trong khi nhiều nhà nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn ủng hộ dự án cải tạo kênh Quan Chánh Bố thành luồng chính vào cảng Cần Thơ, thì KS. Doãn Mạnh Dũng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM, vẫn kiên trì đề xuất với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý nên sử dụng luồng Trần Đề mà theo ông vừa có hiệu quả lâu dài vừa đỡ tốn kém. Với mong muốn được góp thêm tiếng nói phản biện trước một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, báo Khoa Học Phổ Thông giới thiệu bài viết của KS. Doãn Mạnh Dũng về những phát hiện và kiến nghị mới của ông xung quanh vấn đề này.

Luồng tàu biển vào Cần Thơ được nghiên cứu từ đầu thập niên 1980. Các nhà nghiên cứu đã xác định luồng Định An “động” nhưng chưa có ai nêu lý do nguyên nhân “động”. Vì chưa rõ nguyên nhân mà đã đưa ra giải pháp thì thất bại là tất yếu. Với nghiên cứu của tôi, mọi việc đều đơn giản như sau:

Nhiệt độ chênh lệch giữa xích đạo và cực đã tạo ra dòng hoàn lưu. Dòng nóng chạy tầng mặt từ xích đạo về cực và dòng lạnh chạy tầng ngầm từ cực về xích đạo. Về mùa gió đông bắc thì dòng lạnh cộng hưởng với dòng nước mặt đông bắc trở nên cực mạnh. Đây là dòng chủ yếu bồi lấp bờ biển đông Việt Nam. Do Trái đất quay từ tây sang đông, nhiệt độ chênh lệch 8 độ giữa mũi Cà Mau và eo Đài Loan vào tháng 1 nên tạo ra dòng hải lưu lạnh vừa di chuyển từ bắc xuống namvà vừa di chuyển theo hướng từ đông sang tây. Do địa hình cửa Định An, dòng sông Hậu ra vào lúc mạnh nhất tháng 9 - 10, gặp dòng hải lưu từ hướng bắc xuống tạo ra vòng xoáy. Tâm xoáy tạo ra các bãi bồi. Vì tốc độ dòng hải lưu thay đổi theo ngày - đêm, tốc độ dòng sông Hậu thay đổi theo lượng mưa đầu nguồn nên tâm xoáy thay đổi, các bãi bồi luôn thay đổi. Vì vậy luồng Định An là luồng động, sau khi nạo vét không ổn định. Nếu mở kênh phía bắc gần cửa Định An thì hiện tượng cửa Định An sẽ bị tái lập tại cửa kênh mới đào. Vì động năng dòng lạnh bắc nam gần như bị tiêu hao hoàn toàn tại cửa Định An nên dòng Trần Đề phía nam cửa Định An rất ổn định. Dòng lạnh bắc nam khi đến miền Trung và Nam Việt Nam đã tạo những đê biển bằng cát với góc gần với 30 độ so với đường kinh tuyến. Bãi cát tạo nên vịnh Cam Ranh và Vân Phong cùng có góc 30 độ là một bằng chứng mà không ai không thể thừa nhận. Hôm nay chúng ta lại phát hiện con đê cát tại phía bắc luồng Trần Đề cũng có góc gần 30 độ. Con đê này dài 29.100 m, độ cao trung bình cách mặt nước -0,971 m. Theo các cán bộ địa phương thì con đê trên bằng cát, trước đây đã có công ty nước ngoài xin dùng số cát trên. Phía nam con đê là dòng Trần Đề chạy song song với dãy đê trên. Đoạn luồng ngoài cùng hơi cong về hướng nam vì bị dòng lạnh bắc nam tác động, nên dài hơn đê và có độ dài là 29.353 m. Luồng có góc chạy tàu là 30 độ so với đường kinh tuyến. Luồng sâu trung bình -3,54 m.

Như vậy giải pháp đưa tàu biển vào Cần Thơ thật vô cùng đơn giản: nạo vét phía nam đổ về hướng bắc nâng cao thêm con đê tự nhiên Trần Đề. Để con đê ổn định, cần có vật nặng thả tại đầu con đê như một chiếc tàu cũ chẳng hạn. Giải pháp không gây tác động xấu đến môi trường vì chỉ đẩy nhanh sự phát triển con đê Trần Đề. Nếu thực hiện theo mục tiêu của kênh Quan Chánh Bố để đón tàu 1 vạn tấn đầy tải và 2 vạn tấn giảm tải thì luồng vào có độ sâu -6,5 m, đáy luồng rộng 150 m, mặt trên luồng rộng 510 m. Với mô hình trên chúng ta phải nạo vét 19.316.027 m3. Với giá 3,5 USD/m3 chúng ta chỉ cần chi 67.606.094 USD. Chúng ta có thể tự chế tạo xáng biển để thực hiện công trình. Ví dụ mỗi xáng biển có công suất 1.000 m3 cát/giờ, sử dụng 20 xáng biển thì chỉ 41 ngày là hoàn thành công trình. Thời gian bắt đầu công trình không phụ thuộc gió mùa đông bắc hay tây nam.

Luồng tàu biển Trần Đề có đê và hướng luồng tương tự mô hình luồng tàu biển vịnh Gành Ráy ra vào cảng Sài Gòn ổn định trên 100 năm. Vì vậy mô hình trên bản chất là sao chép mô hình của thiên nhiên.

Giải pháp đơn giản, sử dụng hoàn toàn trí tuệ và công nghệ của Việt Nam nhưng đáp ứng được nhu cầu cấp bách của nhân dân và ổn định lâu dài cho chiến lược xây dựng Cần Thơ thành trung tâm của ĐBSCL. Nhà nước nên cho đấu thầu trọn gói: tư vấn, đầu tư và khai thác luồng Trần Đề theo phương thức BOT. Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách. Như vậy tiền thuế của dân mới tránh rủi ro và đảm bảo thu hồi được.

KS. DOÃN MẠNH DŨNG

(Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luồng tàu biển vào Cần Thơ thật là đơn giản và rẻ tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO