Luồng nào cho tàu biển vào Cần Thơ?

13/06/2008 09:43

Các cảng trên sông Hậu lâu nay sống nhờ vào luồng Định An, cửa vào sông Hậu. Tuy nhiên, luồng Định An luôn bị bồi lắng, dù đã được nạo vét nhưng không thu được hiệu quả mong muốn. Nay có dự án mở một luồng mới là kênh Quan Chánh Bố với kinh phí có thể lên tới 6.000 tỷ đồng. KS. Doãn Mạnh Dũng, một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm và tâm huyết của Hội khoa học kỹ thuật biển TP.HCM quả quyết: “Luồng Định An không thể nạo vét. Đào kênh Quan Chánh Bố sẽ tạo ra cửa Định An mới”. Vậy đâu là giải pháp?

Tại sao luồng Định An không thể nạo vét được?

Vùng phía bắc cửa Định An có nhiều bãi bồi. Các bãi bồi này thường xuyên di động. Nguyên nhân như sau: tại vùng cửa Định An có dòng nước mặt di chuyển theo gió từ bắc xuống nam vào tháng 1, 2, 3, 9, 10, 11, 12. Còn dòng nước mặt di chuyển theo gió chảy ngược lại từ nam lên bắc vào tháng 4, 5, 6, 7, 8. Để có kết quả trên, người ta thả phao và ghi lại vệt di chuyển của phao.

Bờ biển đông Việt Nam bị bồi lấp bởi dòng ngầm chạy từ bắc xuống nam do chênh lệnh nhiệt giữa cực và xích đạo. Vì Trái đất quay từ tây sang đông nên dòng ngầm trên vừa di chuyển theo hướng từ bắc xuống nam lại phải vừa di chuyển từ hướng đông sang tây. Vì vậy dòng ngầm sẽ cực mạnh khi cộng hưởng với dòng nước mặt vào tháng 1, 2, 3, 9, 10, 11, 12.

Mùa lũ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính vụ vào tháng 10 và 11. Dòng Định An ra gặp dòng ngầm bắc nam đã cực mạnh nên tạo ra dòng xoáy phía bắc cửa Định An. Tốc độ dòng ngầm thay đổi do nhiệt độ trong ngày luôn thay đổi. Tốc độ dòng Định An ra cũng luôn thay đổi trong ngày do lượng mưa đầu nguồn. Tốc độ hai dòng luôn thay đổi nên tạo ra tâm xoáy tại cửa Định An luôn thay đổi. Tâm xoáy là vị trí có tốc độ di chuyển bằng không nên bị bồi lắng. Tâm xoáy luôn thay đổi nên các vị trí bị bồi lắng của khu vực bắc cửa Định An luôn thay đổi. Đó là nguyên nhân chúng ta không thể đào luồng qua khu vực các tâm xoáy trên. Thực tế khi nạo vét luồng Định An, chưa xong đoạn cuối thì đoạn đầu đã bị lấp. Hay nói cách khác, cửa Định An không thể nạo vét được. Quan điểm này tôi đã trình bày trên báo Khoa Học Phổ Thông số 782 ngày 1/5/1998 và thực tế chứng minh là đúng.

Đào kênh Quan Chánh Bố sẽ tạo ra cửa Định An mới

Vĩ độ cửa kênh Quan Chánh Bố nằm phía bắc vĩ độ cửa Định An 8.600 m theo đường chim bay. Nếu cửa kênh Quan Chánh Bố hình thành một cửa sông mới, thì thay vì dòng Định An gặp dòng ngầm bắc nam, dòng kênh Quan Chánh Bố sẽ gặp dòng ngầm bắc nam và hiện tượng tại cửa Định An được tái lập. Như vậy đầu tư mở kênh Quan Chánh Bố là thiếu căn cứ khoa học, không những lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng môi trường trồng lúa vùng Trà Vinh.

Con đường duy nhất là sử dụng luồng Trần Đề

Luồng Trần Đề cạn nhưng rất thẳng. Điều đó chứng tỏ dòng Trần Đề ra biển không bị tác động mạnh bởi ngoại lực từ hướng biển. Hơn nữa, khi nghiên cứu sự hình thành đê tự nhiên vùng miền nam Trung bộ, chúng ta thấy rằng các bãi cát có thể tự hình thành đê biển vững chắc dài hàng chục kilômét. Đó là bãi cát tạo thành vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh. Cát bãi cát trên có góc gần 30 độ so với đường kinh tuyến. Một sự trùng hợp thú vị là luồng Trần Đề cũng có góc gần 30 độ so với đường kinh tuyến. Từ hiện tượng trên, chúng ta có thể sử dụng luồng Trần Đề theo mô hình cải tạo như sau: hút cát luồng Trần Đề đổ về bờ bắc để tạo ra một đê cát như tại Vân Phong và Cam Ranh. Để giữ được cát trong giai đoạn đầu chúng ta có thể đóng nhiều cọc dừa để làm điểm tựa cho cát và sa bồi. Nếu nền đáy luồng Trần Đề tốt thì có thể dùng cột bê tông dự ứng lực. Khi sa bồi đổ cao trên mặt nước thì trồng ngay các loài thực vật như cây mắm, đước... để chúng kết dính sa bồi lại. Luồng Trần Đề dài 30 km tính từ Cù Lao Dung, có cốt luồng 9 m, khi thủy triều 3 m thì có thể tiếp nhận tàu 3 vạn tấn vào Cần Thơ.

Chúng ta có thể làm thí điểm một vài đoạn để nghiên cứu. Về mặt lý thuyết, giải pháp luồng Trần Đề là hiện thực, chi phí xây dựng ít, không làm nhiễm mặn, không mất đất trồng lúa và tạo ra một bãi nuôi nghêu mới phía bắc luồng Trần Đề. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luồng nào cho tàu biển vào Cần Thơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO