Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2019

BÌNH NGUYÊN| 13/06/2018 09:20

KHPTO - Ngày 12/6/2018, với 423 đại biểu bấm nút tán thành (15 đại biểu không tán thành), chiếm 86,86% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa 14 đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Luật này có 7 chương, 43 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Trong đó, có nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng, như: đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống người khác; thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet...

Đặc biệt, Luật An ninh mạng quy định sẽ xử lý nghiêm các hành vi: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác...

Các hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng... cũng bị cấm theo phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng.

Luật này cũng nghiêm cấm thực hiện các hành vi: tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Ngoài ra, nếu cá nhân, tổ chức sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, cũng sẽ bị xử lý.

Những trường hợp chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi, đều bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trong Chương VII - “Điều khoản thi hành”, Luật này cũng quy định rõ: hệ thống thông tin đang vận hành, sử dụng được đưa vào danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực, chủ quản hệ thống thông tin bổ sung đủ điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại Điều 12 của Luật; trường hợp cần gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 12 tháng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều ngày 12/6/2018, Ủy viên thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội - ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng: thời gian này cần phải ủng hộ việc thông qua Luật An ninh mạng.

Ông Nhưỡng cho rằng: bất kỳ đạo luật nào cũng không hoàn hảo. Các đạo luật ra đời là phúc đáp lại nhu cầu của xã hội. Bây giờ xã hội đang rất cần thì phải bấm nút thông qua. Khi đưa vào thực hiện thì lấy thực tiễn để xem xét và coi đây là thước đo xem xét lại, đánh giá lại thì mới biết rõ là luật đó có hay không tính khả thi cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO