Lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân

Như Hoa| 27/04/2019 17:37

KHPTO - Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, khoa quản lý giáo dục, Trường ĐH giáo dục, mẫu số chung của những người kiếm được việc làm là sự say sưa nghiên cứu và trải nghiệm công việc ngay từ khi còn là sinh viên. Qua đó, bạn trẻ tích lũy kỹ năng để thỏa mãn yêu cầu của nhà tuyển dụng.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà đưa ra 6 nhóm tính cách và cách nhận biết thông qua những gì người lớn thường phàn nàn về mình. Những bạn hay bị mẹ mắng "việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng" thường có tính cách xã hội, thích giao tiếp và giúp đỡ mọi người, có thể phù hợp ngành nghề thương mại, kinh doanh buôn bán, báo chí, marketing…Một số học sinh hay ''lý sự'' với người lớn, hay ''đầu têu'' những trò nghịch ngợm ở lớp, bị thầy cô phê bình nhưng lại được bạn bè yêu mến. Đây là những bạn có tố chất lãnh đạo và tư duy phản biện, có thể tìm hiểu ngành nghề quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh... Những bạn hay bị mắng vì tội "lọ mọ", tháo bung hết đồ điện trong nhà để nghiên cứu, thường có tư duy kỹ thuật, phù hợp những ngành nghề cơ khí, kỹ sư công nghệ... Nếu bạn ngoan ngoãn ít nói, ngại thay đổi, hay được cầm quỹ lớp... thuộc nhóm tính cách ''công chức'', phù hợp nghề kế toán, kiểm toán, nhân viên quản trị văn phòng...

Những học sinh học rất giỏi, lúc nào cũng thấy ngồi ôm sách vở, ít đi chơi thuộc nhóm tố chất nghiên cứu, phù hợp trở thành nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên đại học... Một số người có đầu óc sáng tạo, hay bi mắng "suốt ngày mơ mộng", yêu thơ ca, ghét công việc cứng nhắc... hay có tính cách nghệ sĩ, triển vọng trở thành kiến trúc sư, nhân viên quan hệ công chúng, nhà văn...

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, sau khi biết điểm, thí sinh thường có tâm lý vội thay đổi nguyện vọng, dựa trên mức điểm chuẩn của các năm trước, do đó gây ra những thay đổi lớn trong việc xét tuyển. Thực tế, có nhiều học sinh trượt oan ức hoặc đỗ một cách oan ức vì thay đổi nguyện vọng không đúng. Các em lo lắng NV1 không đỗ, nên thay đổi đăng ký trường khác có mức điểm thấp hơn, nhưng khi biết điểm, thì các em lại đủ điểm vào trường mà mình đã thay đổi vì lo trượt.

Các em chỉ thay đổi khi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, nếu thấy không có khả năng thì mới đổi nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau: NV1 dành cho những trường có mức điểm cao hơn, NV2 cho trường ngang với mức điểm của bản thân và NV3 cho các trường thấp hơn mức điểm của mình để chắc chắn đỗ, PGS.TS Phạm Mạnh Hà lưu ý.

Nếu tất cả các thí sinh đồng loạt thay đổi nguyện vọng sẽ tạo ra tỷ lệ ảo rất lớn trong quá trình xét tuyển, từ đó dẫn đến những biến động về điểm chuẩn khác xa so với dự đoán ban đầu. Cụ thể như, có năm các trường top giữa, top dưới tăng 2-3 điểm so với điểm chuẩn năm trước, trong khi các trường top trên điểm không tăng nhiều do thí sinh có tâm lý sợ hãi, lo lắng trượt trường cao, đổ xô vào các trường mức trung để chắc chắn.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng tư vấn các thí sinh không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn, mà nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để chọn ngành phù hợp nhất.

“Nếu các em chọn ngành dàn trải, sẽ rất khó để có việc làm sau khi ra trường. Thí sinh chỉ nên chọn từ 1-2 ngành mà mình thực sự yêu thích và lựa chọn các trường có mức điểm phù hợp”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Cũng không rải quá nhiều các nguyện vọng vào nhiều khối ngành không có sự liên quan nhiều đến nhau, ra trường rất khó để có được việc làm vì không có chuyên môn cụ thể.

Bốn bước chọn nghề

PGS.TS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên các bước chọn ngành, nghề :

Bước 1: Tôi thích nghề gì?

Liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn của tôi về nghề nghiệp có thể đáp ứng: cơ hội thăng tiến; môi trường làm việc; thu nhập; giờ giấc; tính chất công việc hấp dẫn; uy tín xã hội. Sau đó, bạn lập danh sách thứ tự ưu tiên của các nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp nghề gì?

Học sinh tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí. Trên cơ sở đó, bạn tìm ra các điểm chung giữa yêu cầu của nghề và khả năng đáp ứng của bản thân.

Bước 3: Tôi chọn nghề gì?

Nghề bản thân thích; nội dung công việc; điều kiện lao động; giá trị ý nghĩa đối với bản thân; các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng; sức khỏe; năng lực học tập; điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học tập ở đâu?

Nghề đó thuộc lĩnh vực nào - trường nào có đào tạo lực vực đó; lập danh sách ưu tiên các trường công lập – dân lập; điểm chuẩn - chỉ tiêu tuyển sinh; danh tiếng – uy tín (thời gian thành lập – thành tích); thời gian đào tạo (đại học – cao đẳng – trung cấp); địa điểm đào tạo (gần nhà – xã nhà).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO