Lớp học nghề... trồng hoa kiểng, bonsai

VỸ PHƯỢNG| 17/11/2019 20:23

KHPTO - Sau giờ lao động vất vả trên miếng ruộng, mảnh vườn của mình, hàng ngàn nông dân hăng hái đi học nghề nông nghiệp để chuyển đổi mô hình tăng thu nhập cho gia đình.

Đây là lớp học “Kỹ thuật trồng hoa kiểng” do Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM và huyện Bình Chánh, TP.HCM phối hợp tổ chức dạy nghề cho bà con xã An Quý Tây. Lớp học cung cấp các kiến thức về thị trường hoa kiểng, kỹ thuật trồng kiểng ngắn ngày, lâu năm, trồng chăm sóc, tạo dáng làm lão hóa bonsai, sứ thái; kỹ thuật trồng hoa mai, hồng, vạn thọ, dạ yến thảo…; kỹ thuật chọn giống, hệ sinh thái, kỹ thuật làm đất, ươm hạt..

Thầy Văn Công Lời, giáo viên bộ môn trồng trọt - bảo vệ thực vật, Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM cho biết, lớp “Kỹ thuật trồng hoa kiểng” kéo dài 3 tháng với 300 tiết, trong đó, 200 tiết thực hành. Sau khóa học, tổ chức tham quan các mô hình hiệu quả tại các địa phương đang phát triển mạnh nghề hoa kiểng như: Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp)...

Theo thầy Lời, chương trình đào tạo rất sát với thực tế, nên học xong bà con có thể ứng dụng ngay. Chẳng hạn, đối với tiết học tạo dáng bonsai, kỹ thuật tương đối khó, muốn học viên nắm vững và có thể thực hành, phải hướng dẫn kỹ thuật tại vườn, cho học viên thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để sai tới đâu sửa tới đó.

Chị Trần Thị Như Thơ, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM phấn khởi chia sẻ: “Học kỹ thuật trồng hoa cảnh tiếp thu được kiến thức, kỹ thuật trồng hoa kiểng… Học xong, tôi ứng dụng ngay vào trồng các loại hoa vạn thọ, bông cúc, phục vụ thị trường tết, tạo thêm công việc và tăng thu nhập cho gia đình”.

“Học nghề để chuyển đổi mô hình rất hiệu quả, phù hợp với nông nghiệp đô thị, ít đất nhưng hiệu quả. Chương trình đào tạo nghề nông thôn rất thiết thực giúp gia đình tôi và bà con trong xã có điều kiện chuyển đổi ngành nghề mới, tăng thu nhập”, anh Đinh Kim Thanh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết.

Chín năm qua, Trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM phối hợp với 8 quận, huyện đào tạo nghề cho trên 8.500 lao động nông thôn thuộc các chương trình mục tiêu của thành phố và của các địa phương. Sau đào tạo, 100% người lao động có việc làm thêm ngay trên mảnh vườn, miếng ruộng của mình, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Qua triển khai đề án đào tạo nghề nông thôn, thành phố đã đào tạo nghề cho 27.243 lao động, đạt 94%. Nội dung đào tạo chủ yếu tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, tổ chức quản lý sản xuất cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau đào tạo, một bộ phận lao động có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; một số lao động ở nông thôn cũng đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, một số có thêm việc làm, từ đó tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học nghề... trồng hoa kiểng, bonsai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO