Liên thông giữa các trường cao đẳng - đại học: Nhờ mối quan hệ... riêng tư!

TS. PHẠM THỊ MINH HẠNH| 12/12/2008 10:30

Bộ giáo dục và đào tạo đã cho phép hơn 60 trường cao đẳng, đại học được thực hiện đào tạo liên thông, kể cả liên thông ngang giữa các ngành và liên thông dọc từ hệ trung cấp chuyên nghiệp lên hệ cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và từ trung cấp chuyên nghiệp lên đại học. Đây là cơ hội cho các học sinh, sinh viên muốn học lên các hệ tiếp theo và cũng là nhu cầu rất lớn của toàn xã hội, nhiều người lao động muốn học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm hoạt động, đào tạo liên thông vẫn còn thể hiện bất cập về nhiều mặt.

Đào tạo liên thông chủ yếu trong nội bộ từng cơ sở giáo dục

Về quy mô, các hoạt động đào tạo liên thông (ĐTLT) chủ yếu chỉ diễn ra bên trong từng cơ sở giáo dục, chưa có quy mô trên toàn lãnh thổ: các trường đại học tuyển sinh thêm hệ cao đẳng, trung cấp để có thể tổ chức liên thông lên đại học của trường mình, các trường cao đẳng mở thêm hệ trung cấp để liên thông lên bậc cao đẳng, liên thông ngang giữa ngành này và ngành khác cũng chỉ diễn ra trong nội bộ của từng cơ sở giáo dục... Liên thông giữa các trường thực hiện được là nhờ các mối quan hệ riêng tư, “xin cho” giữa hai trường có ngành nghề tương thích, nhưng cũng chỉ thực hiện dễ dàng đối với liên thông từ hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên cao đẳng (CĐ), còn liên thông từ TCCN và CĐ lên đại học (ĐH) giữa hai trường là hoạt động diễn ra hết sức khó khăn và là nỗi thất vọng của biết bao cán bộ lãnh đạo, quản lý và học sinh, sinh viên của các trường TCCN và CĐ.

Về nội dung, theo Luật giáo dục, chương trình khung của bậc học TCCN, CĐ do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành. Trên cơ sở đó, hiệu trưởng các trường thiết kế chương trình chi tiết cho trường mình. Khi thực hiện ĐTLT giữa các cơ sở đào tạo, chương trình không tương thích là một trong những lý do từ chối dễ dàng các đối tượng tuyển sinh của các trường khác có cùng ngành nghề đào tạo muốn thực hiện liên thông, đặc biệt là lên ĐH.

Chương trình khung là điều kiện tối thiểu đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia cho các hoạt động đào tạo nhân lực, nhưng cho đến nay các bộ ngành khác ngoài Bộ giáo dục và đào tạo vẫn chưa có chương trình khung thống nhất cho các ngành: cơ khí, điện, tin học ứng dụng... do đó khó có thể thực hiện ĐTLT cho các trường có đào tạo những ngành này.

Phương thức đào tạo liên thông của các nước và liên hệ với Việt Nam

ĐTLT đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới và là loại hình đào tạo hết sức hiệu quả trong bồi dưỡng đội ngũ nhân lực cho xã hội. Tuy ở mỗi quốc gia, hoạt động này có những nét đặc trưng riêng để phù hợp với thể chế của từng vùng lãnh thổ, nhưng các hoạt động ĐTLT đều có những điểm chung tổng quát, đó là quy mô hoạt động của phương thức này không phải chỉ trong từng trường. ĐTLT mặc dù về cơ bản là một cách bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực đã qua đào tạo nhưng ở nhiều nước trên thế giới ĐTLT được thể chế hóa như đào tạo mới với quy mô toàn lãnh thổ. Học sinh, sinh viên luôn nắm vững lộ trình học tập nâng cao trình độ của mình sau khi tốt nghiệp một ngành nghề nào đó và những cơ sở giáo dục này luôn chào đón họ, nhất là những người khẳng định được khả năng tiếp tục học tập của mình. Tự bản thân mỗi học sinh, sinh viên có thể đến các cơ sở giáo dục này để đăng ký dự tuyển ĐTLT mà không cần phải có sự can thiệp của trường cũ. Hoạt động này được thể chế hóa ở cấp độ quốc gia. Đây mới thật sự là một xã hội học tập vì người học, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà.

Ở nước ngoài, khi nói đến giáo dục và đào tạo thì mọi hoạt động đều có sự tham gia của cơ quan giáo dục và đào tạo các cấp và do đó, chương trình khung đào tạo ngành nghề luôn được thống nhất ở cấp độ quốc gia. Các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cấp quốc gia có nhiệm vụ thống nhất chương trình khung của các trường, trong đó có cả các trường không thuộc ngành giáo dục quản lý.

Như đã phân tích trên đây, Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động ĐTLT, nhất là có rất nhiều học sinh sinh viên, người lao động có đủ khả năng, muốn được học tập tiếp tục nhưng chẳng nơi nào nhận, các trường TCCN, CĐ muốn liên thông lên ĐH nhưng không được hợp tác. Để hoạt động này ở Việt Nam trong tương lai có thể mang lại cơ hội học tập cho mọi công dân trong xã hội, chúng ta cần thể chế hóa trong văn bản pháp quy quy mô của hoạt động ĐTLT cấp quốc gia như hoạt động tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, TCCN hay như đào tạo sau đại học. Chương trình khung đào tạo các ngành nghề trên toàn lãnh thổ cần có sự thống nhất chung và do cơ quan quản lý giáo dục cấp quốc gia tổ chức thiết kế, thay đổi và chịu trách nhiệm. Cần hình thành nét văn hóa đặc trưng cho hoạt động ĐTLT mang tính nhân văn sâu sắc: tất cả các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ phải vì cơ hội học tập suốt đời nâng cao trình độ để phục vụ nước nhà của mọi công dân trên các vùng lãnh thổ trong một quốc gia. Chỉ có thế mới có thể giúp cho hoạt động này mang lại hiệu quả cao nhất.

TS. PHẠM THỊ MINH HẠNH

(Trường cao đẳng cộng đồng Bình Thuận)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên thông giữa các trường cao đẳng - đại học: Nhờ mối quan hệ... riêng tư!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO