Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh: Làm khoa học thời hội nhập

21/12/2007 10:46

Trong 5 năm qua (2002 - 2007) khoảng thời gian mà cả nước đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Ban thường vụ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Liên hiệp hội) và các hội thành viên đã có nhiều nỗ lực trong công việc chuyên môn của mình, qua đó thiết thực có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố...

5 năm với nhiều sắc màu

Từ năm 2002 cho đến nay, các nội dung hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên có thể nói rất là đa dạng. Hầu như các hoạt động chuyên môn ở các cấp hội đều gắn với đời sống xã hội, với thực tiễn sản xuất. Một số hội như kế toán, y học, châm cứu, vô tuyến điện - điện tử, hoa lan - cây cảnh… thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ thu hút rất đông hội viên và người dân tham gia. Những nhà khoa học ở các hội hóa học, sinh học, tin học, lâm nghiệp, nước và môi trường, trắc địa - bản đồ… đã có không ít những đề tài nghiên cứu khoa học thành công, và đã chuyển giao ứng dụng có hiệu quả vào đời sống và sản xuất. Chẳng hạn như nghiên cứu “giải pháp khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ” của Hội lâm nghiệp (đề tài nghiên cứu này đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ - năm 2005); nghiên cứu “điều kiện tối ưu để sản xuất cây hoa lan Dendrobium, Mokara... đạt tỷ lệ sống cao nhất khi ra vườn ươm” của Hội sinh học; thực hiện các đề tài tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án về địa chính công trình tại TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước của Hội trắc địa bản đồ… Hòa nhịp cùng với sự phát triển của xã hội cũng đã có không ít các tổ chức hội, mô hình hoạt động mới được hình thành như Hội sở hữu trí tuệ, Câu lạc bộ chuyên gia xây dựng nhà cao tầng, Câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện, Câu lạc bộ thông tin ngành giáo dục dạy nghề…

Ký kết hợp tác giữa Hội tin học và Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều TP.HCM
Đáng chú ý là các hội thành viên, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội, không ít lần đã vào cuộc kịp thời để góp sức cùng thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống như: nghiên cứu tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, xăng bị pha aceton, lá cây bị biến màu trắng do bị ô nhiễm khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp, nước tương “đen”, tình trạng ngập úng do mưa và triều cường… Đặc biệt là công tác phản biện, giám định xã hội, tư vấn phản biện đã được UBND TP.HCM đánh giá cao. Nổi bật nhất trong công tác này là việc giám định xã hội dự án “cải tạo ô nhiễm hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Các nhà khoa học của Liên hiệp hội đã rất nhiều lần lên tiếng quyết liệt về những bất cập trong quá trình thực hiện dự án này. Những nội dung phản ánh đã thiết thực góp phần cải thiện tiến độ thực hiện dự án.

Đặc biệt, không ít hoạt động của các hội đã thiết thực phục vụ cho mục tiêu hội nhập. Bước đầu một số hội chuyên ngành đã “gắn” được với những lĩnh vực mũi nhọn trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Hội tin học đã làm cầu nối có hiệu quả trong việc gắn kết các nhà khoa học với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, từ đó góp phần đáng kể cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin thành phố. Hội sinh học đã kết hợp với Viện sinh học nhiệt đới, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM... nghiên cứu, định hướng đề xuất kế hoạch phát triển cho lĩnh vực công nghệ sinh học thành phố. Hiện nay Hội sinh học đang chuẩn bị có những bước đột phá mới là phối hợp với Khu công nghệ cao TP.HCM thành lập phòng thí nghiệm sinh học nano.

Tăng cường lượng và chất

Nhìn lại một chặng đường hoạt động, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp hội thẳng thắn cho rằng, trong thời gian qua Liên hiệp hội đã làm được khá nhiều việc, song vẫn còn tồn tại những hạn chế. Chẳng hạn, bên cạnh một số tổ chức hội hoạt động rất hiệu quả, vẫn có không ít tổ chức hội hoạt động còn mờ nhạt và vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết; nhiều vấn đề lớn của thành phố gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chánh… các nhà khoa học Liên hiệp hội vẫn chưa có những nghiên cứu, đề xuất, hiến kế hiệu quả mang tính đột phá cho lãnh đạo thành phố.

Ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM (bìa phải) đang trao đổi với các nhà khoa học Liên hiệp hội

Định hướng hoạt động những năm sắp tới, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao cho biết, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là củng cố hoàn thiện hơn hệ thống tổ chức, quản lý của Liên hiệp hội và các hội thành viên để thu hút ngày càng đông các nhà khoa học tham gia vào tổ chức Liên hiệp hội. Một khi khối Liên hiệp hội và các hội thành viên hoạt động mạnh, thật sự hiệu quả thì sẽ thiết thực góp phần nâng cao hơn chất lượng của các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn - phản biện giám định xã hội.

Mới đây, trong lần đến làm việc với Liên hiệp hội, sau khi lắng nghe và trao đổi với các nhà khoa học, ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng: “Các nhà khoa học là một trong những nhân tố quyết định giúp TP.HCM vượt qua những thử thách trong quá trình hội nhập. Hiện nay và trong thời gian tới thành phố đang đứng trước những thử thách rất lớn về vấn đề cơ sở hạ tầng đô thị (sự bất cập giữa tốc độ phát triển và cơ sở hạ tầng đã dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…); các vấn đề về văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục…); nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật..). Lãnh đạo thành phố rất mong các nhà khoa học, không chỉ là các nhà khoa học trong nước, mà kể cả những trí thức Việt kiềucùng vào cuộc để góp ý, hiến kế cho lãnh đạo thành phố trong tất cả mọi lĩnh vực, nhằm giúp cho thành phố phát triển một cách bền vững”. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh: Làm khoa học thời hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO