Lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS

Việt Thy| 02/12/2018 16:15

KHPTO - Sáng ngày 1/12/2018 tại công viên Văn Lang TP.HCM đã diễn ra Lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2018 (ảnh). Buổi lễ thu hút sự tham dự khoảng 2.200 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức UNAIDS tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, đại diện các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ, khối học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và đoàn thể nhân dân…

Báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đến tháng 12/2017 cho thấy, thế giới đã có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng 35,4 triệu người đã tử vong vì AIDS kể từ đầu vụ dịch đến nay. Mỗi năm thế giới vẫn có khoảng gần 2 triệu người mới được phát hiện nhiễm HIV.

Phát biểu tại lễ mít tinh, bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 28 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và của nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí: giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam, điển hình là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hay việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới về điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hoặc việc chuyển đổi mô hình chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế v.v... Việt Nam đã áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Đồng thời, iệt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.

Mặc dù đã dành được nhiều kết quả, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới khi tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp: mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; mỗi năm dịch HIV/AIDS cướp đi từ 3.000 – 4.000 sinh mạng người Việt Nam và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam.

Hiện vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việc lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch càng trở nên khó khăn hơn. Thống kế cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy đang có xu hướng gia tăng trở lại. Việc lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ.

Việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là thách thức với công tác phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta. Trong khi đó độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến. Điều này cảnh báo dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan hay thờ ơ, không tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Năm nay, chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO