Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương: Đền Hùng - Quần thể kiến trúc, khu di tích lịch sử

<_o3a_p>| 27/04/2007 16:50

Bắt đầu từ năm nay, người dân nước ta được nghỉ lễ trong ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, ngày lễ duy nhất hiện được tính theo âm lịch (mồng 10 tháng 3). Đó cũng là dịp mỗi người dân lòng thành kính hướng về đất Tổ, nơi còn lưu giữ những quần thể kiến trúc tưởng nhớ các vị vua Hùng.

Đền thờ vua Hùng còn gọi là đền Hùng là một quần thể kiến trúc, một khu di tích lịch sử ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phxong Châu, tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì gần 20 km phía đường đi Lào Cai.

Đền Hùng nằm gọn trên một quả núi có các tên gọi là núi Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, núi Hy Sơn, Nghĩa Cương, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, có độ cao 175 mét so với mặt biển.

Khu di tích đền Hùng gồm có 4 đền và một lăng Tổ.

Đi từ chân núi lên, du khách thường dừng chân trước Đại Môn (cổng lớn), đọc bức đại tự trên đầu hai trụ cổng: “Cao sơn cảnh hành” nghĩa là núi cao, đường lớn, con đường mà cha ông khai sáng để các thế hệ con cháu bước theo. Cổng đền xây từ năm 1918. Từ cổng đền đến đền Thượng có 525 bậc thềm với ba khu vực: đền Hạ và chùa, đền Trung, đền Thượng và lăng Tổ.

Phải đi qua hơn 200 cấp bậc thì tới đền Hạ. Đền Hạ có từ khoảng thế kỷ 17, được xây hai lớp theo kiểu chữ nhị. Tương truyền, nơi đây, sau khi kết hôn, Lạc Long Quân đã đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương (Thanh Thủy) về đến núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ đã sinh ra một trăm người con để từ đó, sinh sôi ra các dân tộc Việt Nam. Khi các con khôn lớn, 50 người theo cha về vùng biển, 49 người theo mẹ lên ngược vùng núi, người con cả ở lại nối ngôi cha truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.

Trong khu vực đền Hạ còn có Thiên Quang thiền tự được xây dựng vào thời kỳ nhà Lê, kiến trúc chủ yếu là cột gỗ có đá kê và lợp ngói. Trước kia, chùa được xây theo kiểu chữ công, chung quanh có thành đá ong bao bọc. Chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trước cửa chùa, có cây thiên tuế cành ngọn sum suê, với độ tuổi khoảng 700 năm. Tại nơi này, ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác Hồ đã nghe đồng chí Song Hào báo cáo tình hình hoạt động chung của đại đoàn quân tiên phong. Và tại đền Giếng, khi nói chuyện với bộ đội, câu nói của Bác đã đi vào lịch sử:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Đó là sự tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc.

Tiếp đến là đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu). Đền Trung xây dựng từ thời nhà Trần. Thời Lê, đền Trung bị giặc phương bắc tàn phá. Sau chiến tranh, nhân dân địa phương đã xây một ngôi đền khá lớn. Cách đây khoảng 300 năm, đền Trung được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất, tồn tại đến ngày nay. Tương truyền nơi đây, các vua Hùng cùng các quân thần thân tín thường họp bàn việc nước. Vào thời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương bắc tràn xuống, vua Hùng thứ 6 muốn chọn con kế vị, cho gọi 18 người con về núi Nghĩa Lĩnh mở cuộc thi làm cỗ để chọn người con nào có lòng hiếu thảo với cha mẹ, yêu đất nước. Lang Liêu là người con út thương dân, yêu lao động, hiếu thảo đã sáng tạo ra hai thứ bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất dâng vua cha tại đền Trung. Vua cha nhường ngôi cho Lang Liêu - Hùng Vương thứ 7.

Hàng năm, vào ngày 10 tháng ba âm lịch, lễ hội đền Hùng rất phong phú: hóa trang, đua thuyền, chọi trâu. Nếu người dân Kinh Bắc (Bắc Ninh) tự hào về những làn điệu dân ca “quan họ” thì “hát xoan” (tức hát xuân) của đất tổ Phong Châu cũng rất nổi tiếng. “Hát xuân” nghĩa là hát vào mùa xuân, có từ thời dựng nước. Trong âm thanh hòa tấu rộn ràng của những dàn trống đồng, chiêng cồng, sênh phách, dân làng ca hát, nhảy múa vui chơi và tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sản thịnh vượng. Hội giã cối tức những đôi nam nữ cầm chày dài giã cối tròn tạo nên hình ảnh tượng trưng sự phồn thực.

NGUYỄN CHUNG TÚ

Trên đền Trung là đền Thượng, nơi các vua Hùng lập đàn tế trời đất vào mỗi Tết đầu năm và thờ thần lúa, một “hạt thóc thần” bằng đá. Đời Hùng Vương thứ 6 còn thờ cả Thánh Gióng, người anh hùng thần thoại có công đánh giặc phương bắc xâm lược. Đây cũng là nơi Thục Phán dựng cột đá thề rằng: “Sẽ đời đời trông nom miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của các vua Hùng truyền lại”. Đền Thượng còn có tên Kinh Thiên Lĩnh Điện (đền thờ trời) được xây dựng từ thế kỷ thứ XV. Từ năm 1914 đến 1922, vua Khải Định đã xuất tiền và cử quan về giám sát việc đại trùng tu đền Thượng.

Cạnh đền Thượng là ngôi mộ Tổ Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, một kiến trúc giản dị và xinh xắn, đặt theo hướng chếch đông - tây (hướng mặt trời mọc và lặn). Có truyền thuyết nói rằng, mộ Tổ của vua Hùng thứ nhất chôn tại đây. Cũng có truyền thuyết khác cho rằng, đó là mộ của vua Hùng thứ 6 (Hùng Hoa Vương, húy là Pháp Hải).

Mộ Tổ xưa là mộ đất có mái che. Đến năm 1874, mộ được xây dựng như kiểu dáng ngày nay.

Từ mộ Tổ, rẽ về phía đông nam, qua nhiều cấp bậc bằng đá, sẽ tới đền Giếng, nơi thờ hai công chúa con vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Đền Giếng gồm ba lớp nhà và hai nhà hai bên, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18. Tại đền này có một giếng nước rất trong, tương truyền đó là Giếng Ngọc, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi bóng xuống giếng nước để trang điểm.

Theo truyền thuyết, Tiên Dung xinh đẹp, có nhiều người đến cầu hôn. Nàng không muốn lấy chồng để được thường xuyên đi du ngoạn. Một lần, Tiên Dung bơi dọc sông Hồng đến vùng Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên). Tiên Dung nghỉ, tắm trên bãi cát, không ngờ gặp Chử Đồng Tử, chàng trai con nhà chài nghèo, và họ đã nên duyên, biểu trưng đẹp của tình yêu. Nàng theo chồng về Dạ Trạch khẩn hoang, dạy dân trồng lúa.

Còn Ngọc Hoa cũng xinh đẹp, vua cha cho dựng lầu kén rể. Hai chàng trai tài giỏi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn, thi tài. Sơn Tinh thắng cuộc, lấy được nàng Ngọc Hoa. Hai vợ chồng về vùng núi Tản, quê của Sơn Tinh, cùng dân làng trị thủy, trồng lúa nước.

Ngoài các ngôi đền nói trên, còn có các công trình phụ mới xây dựng sau này như nhà công quán, nhà bảo tàng trưng bày những di tích thời Hùng Vương.

Từ đây, ta có thể qua thăm hồ Lạc Long Quân.

Núi Hùng có 200 loài cây mang vẻ đẹp của rừng nguyên sinh. Vào mùa đông và Tết đến, hoa đỏ rực trong rừng xanh. Ở đây, có cây chò cao hàng trăm mét. Và cũng từ đất Tổ này, những cây chò con đã được đưa về trồng trước Lăng Bác Hồ.

Xung quanh núi Hùng là các ngọn đồi cao cũng được gọi là núi như Cao Phẩy, Phân Đăng, Cầu Lồ, Sòng, v.v...

Đền Hùng thật đẹp vì thiên nhiên, núi đồi hùng vỹ, lại được tô điểm thêm bởi những hồ nước xanh mát, với những con đường đất đỏ uốn lượn dưới chân đồi cùng với các tràn ruộng bậc thang. Từ đền Thượng, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nhìn về xa xa là những cánh đồng bát ngát, những dòng sông vấn vít về xuôi.

Hàng năm, vào ngày 10 tháng ba âm lịch, nhân dân cả nước, kể cả những người ở xa Tổ quốc, những con cháu vua Hùng, đều hướng về đất Tổ Hùng Vương, cội nguồn sinh ra cha mẹ mình. Và cả một dân tộc hành hương về đất Tổ, hội tụ tại đền Hùng để dự lễ, để giao lưu tình cảm. Đồng bào Việt kiều sống ở năm châu cũng nao nức về dự lễ hội. Thực tế đúng như câu ca dao đã nhắn nhủ:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Vừa qua, Quốc hội khóa XI, trong kỳ họp cuối cùng thứ 11, đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung điều 73 Bộ luật lao động để người lao động được nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương: Đền Hùng - Quần thể kiến trúc, khu di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO