Lão nông mê trồng lúa tím sữa hữu cơ

Bài và ảnh: GIA PHÚ| 26/07/2019 11:39

KHPTO - Về vùng biên giới Tân Hồng - Đồng Tháp, hỏi ông Nguyễn Văn Hương, trồng lúa tím sữa hữu cơ, ai cũng biết, vì ông là người đầu tiên phát triển giống lúa này trồng bán giá cao gấp đôi so với lúa thông thường.

Ông Hương kể, vùng biên giới tuy đất đai rộng “cò bay thẳng cánh” nhưng canh tác lúa nhiều năm qua không gặp thuận lợi cho mấy. Mùa lũ sản xuất (SX) lúa nếu không nằm trong đê bao sẽ dễ mất trắng, còn vụ hè thu lại thiếu nước, sâu, bệnh và chuột phá hại. Trong khi đó giá lúa bấp bênh, còn đối mặt với vấn đề phun xịt thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, bón phân hóa học làm ảnh hưởng môi trường và sức khỏe, cuối cùng lại không lãi bao nhiêu.

Năm 2017, ông thấy người bạn quê ở xã Tần Thành, huyện Tân Hồng mua giống lúa tím sữa từ miền Bắc về trồng nhưng không thành công, ông thấy giống lạ mới có màu tím sữa bắt mắt liền đến xin mua về trồng thử trên diện tích 1 ha. Ông bỏ công chăm sóc và trồng theo hướng hữu cơ (tức không sử dụng thuốc và các chất hóa học), vụ lúa thu đông đó cho năng suất rất thấp, chỉ có 3 tấn/ha. Ông tiếp tục giữ lại giống không bán lúa mà chọn làm giống cho vụ sau, số còn lại xay ăn trong gia đình và đem biếu cho anh em hàng xóm ăn thử và được đánh giá gạo ngon.

Để có thêm kiến thức, ông đã tự lên mạng mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo về đặc tính sinh trưởng của giống lúa này. Để cải thiện và chủ động nguồn giống, ông Hương chọn những cây lúa to khỏe, đồng đều rồi nhân rộng diện tích trồng lên gần 4 ha. Đến vụ đông xuân 2018 - 2019, nguồn giống đã được ông Hương thuần chủng tốt nên thích ứng với thổ nhưỡng, cây lúa phát triển mạnh, cho năng suất cao hơn từ 5 - 5,5 tấn/ha, bán giá từ 9.000 - 10.000 đồng cho thương lái, đem lại lợi nhuận cao gấp đôi so với SX lúa truyền thống trước đây ông làm. Sang vụ tiếp theo, để có đầu ra ổn định và làm ăn lâu dài, ông Hương đã liên kết với một doanh nghiệp tại huyện Tam Nông - Đồng Tháp bao tiêu sản phẩm với giá thu mua là 9.000 đồng/kg giống lúa tím sữa, còn đầu vào sẽ được công ty cung cấp như phân, thuốc sinh học, kỹ thuật… đến cuối vụ ông mới thanh toán lại cho công ty. Ở vụ lúa này, ông cung cấp lúa sạch cho công ty, đem lại thu nhập trên 60 triệu đồng, đã trừ hết các chi phí.

Theo ông Hương, trồng lúa tím sữa theo hướng sạch tuy chi phí cao hơn so với cách làm lúa truyền thống nhưng giá lúa, gạo khi bán ra thị trường cao hơn gấp 2 lần lúa thường. Điều quan trọng hơn là sản phẩm đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Từ việc sản xuất lúa tím sữa cho năng suất ổn định và có đầu ra nhờ liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, ông còn hướng xa hơn là xây dựng thương hiệu gạo tím sữa do mình SX để bán ra thị trường và đặc biệt phải vào được siêu thị là tâm niệm của ông. Từ đó ông quyết định thành lập cơ sở đặt tên là Gạo Nghĩa Nhân. Gạo này khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu hư.

Tuy nhiên, theo ông Hương, ban đầu khi đem gạo tím sữa bán ra thị trường thì gặp không ít khó khăn vì ít người biết đến sản phẩm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được ông Hương cho dùng thử. Đến khi khách

hàng nhận thấy sản phẩm chất lượng, khen ngon rồi đặt hàng, giới thiệu bạn bè đến mua. Ông Hương còn chú trọng mang gạo đi kiểm tra chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... Nhờ cách làm này mà sản phẩm gạo tím sữa của ông tạo được uy tín, ngày càng được nhiều người biết đến.

1_5

Ông Nguyễn Văn Hương bên sản phẩm Gạo Nghĩa Nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão nông mê trồng lúa tím sữa hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO