Lão nông có duyên với vườn cò

PHƯƠNG NGHI| 09/04/2015 09:14

Cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 60 km, vườn cò Tân Long tại xã Long Bình (Ngã Năm - Sóc Trăng) trải rộng trên diện tích 2 ha, do ông Huỳnh Văn Thỏ (thường gọi Mười Thỏ) làm chủ. Đây là điểm du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng.

Ông Mười Thỏ kể: “Đất này do tui khai phá, hồi năm 1972, bom đạn của Mỹ cày nát hết, nhưng cả gia đình tui vẫn ở đây bám trụ làm lúa, còn một phần đất rừng khoảng 1 ha bị bọn đồn bắt đốn sạch. Năm 1975, thống nhất đất nước tui lên liếp bao ngạn trồng dừa, tre để lấy củi và tận dụng đất rừng trồng dừa nước chủ yếu lấy lá lợp nhà. Không ngờ đám dừa nước phát triển xanh tốt và bỗng dưng từng đàn, rồi từng đàn cò đông dần bay về”.

Được vài năm, cò sinh sản đông thêm, ông Mười Thỏ mở rộng thêm vườn cò bằng cách lên liếp trồng cây trên đất trồng lúa mở rộng vườn cò. Rạng sáng, cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trổ trắng bông. Khi đi ăn chúng bay thật êm đềm, thường theo bốn hướng. Chiều về mỗi đàn lại về đúng hướng của mình. Khi cò bay đi ăn là ông Mười Thỏ rảo khắp vườn xem con nào chết, con nào bị thương xệ cánh, gãy chân, con non rớt ổ còn nằm lại đem vào nhà dưỡng thương, đi mua tép, bắt cá về đút cho chúng ăn. Có con ông chăm sóc đến nửa tháng mới thả cho bay đi theo đàn. Suốt 30 năm qua ông đã cứu hàng ngàn con cò như thế.

Chăm sóc cò, dường như ông thuộc cả những tập tính của chúng. Ông bảo, cò ruồi rất nhát, đi ăn từng đàn, chúng bắt ruồi rất giỏi, về vườn chúng ngủ ở tầng thấp. Cò cá thì dạn dĩ, đi ăn một mình, nên dễ bị người ta bắn, chúng thường ngủ ở bìa vườn. Cò quắm thường bay đi ăn sớm về muộn, thân mình cao to, nên là đối tượng dễ bị săn bắt nhiều nhất, vả lại bán được giá vì thịt ngon.

Ở tuổi 76 “xưa nay hiếm” nhưng hiện nay ngày ngày ông Mười Thỏ âm thầm động viên con cháu bảo vệ vườn cò, lặng lẽ trồng thêm dừa nước, phía ngoài trồng thêm tre gai... Vì ở tầm thấp cò ngủ êm hơn, ít bị đong đưa như trên tàu dừa. Với 2 ha đất ông chỉ trồng cây mắm, dừa, dừa nước, tre cho cò ngủ. Sau mùa sinh sản, vườn cò Tân Long có khoảng từ 15 - 20 ngàn con. Có những lúc, nhiều người với những chiêu phá và bắt cò, ông muốn phá vườn cò để lấy đất trồng lúa, lên liếp làm vườn trồng cây ăn trái cho thu nhập khá hơn nhưng lại không đành. Cách đây ít ngày, có một công ty nước ngoài muốn mua vườn cò để khai thác du lịch với giá hơn 2 tỷ đồng, ông Mười Thỏ từ chối ngay.

Trời chiều vừa buông xuống. Buổi trò chuyện giữa tôi với ông Mười Thỏ về lũ cò trên nhà chòi quan sát trở nên đứt quãng. Ông không còn tập trung nữa, mắt cứ dõi ra xa. Tôi nhìn theo mấy bóng trắng đang sà trên ngọn dừa. Ông Mười Thỏ thốt lên: “Kìa, lũ cò kéo về. Hai, ba tốp nữa”. Trời sẫm dần. Từng tốp từng tốp một, mỗi tốp chừng năm bảy chục con bay theo hàng ngang, hàng dọc. Chúng vừa là là lượn sát xuống mặt ruộng rồi lại vút lên trời cao. Hàng ngàn con tiếng oang oác, lao xao. Mừng vui với chúng tôi một hồi lâu, ông Mười Thỏ thở than: “Cò về nhiều nhưng cũng bị săn bắt dữ lắm. Mỗi mẻ lưới người ta bắt vài mươi con. Quanh đây có hơn chục tay lưới, mỗi ngày họ bắt bao nhiêu cò thì quy ra mà tính”.

Đứng trên chòi quan sát, hướng ánh mắt về khoảng cây cối xanh tươi phía trước đã thấy trắng cánh cò. Lúc này đang giờ những cánh chim mỏi “đáo gia” sau ngày dài bươn chải mưu sinh nên cò về mỗi lúc một đông. Ông Mười Thỏ khoe: “Vườn cò này có đủ loài cò như cò ngà, cò trâu, cò bợ, cò lạo xám, cò nhạn, cồng cộc, cò quắm nữa đấy, đặc biệt là diệc mốc”. Cò quắm là loài có trọng lượng lớn (con trưởng thành nặng hơn 1 kg), còn diệc mốc là loài quý hiếm nhất trong vườn cò của ông Mười Thỏ có số lượng chỉ vài trăm con.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mười Thỏ cũng không giấu được nét buồn khi số lượng cò có nguy cơ mai một do hành động săn bắt vô tội vạ. Ông Mười Thỏ mong muốn Nhà nước và các cấp chính quyền chấn chỉnh tình trạng này, giúp ông giữ vườn cò.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão nông có duyên với vườn cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO